GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT
Trong cuộc sống quanh mình, tôi đã từng gặp ở cộng đồng người khiếm thị huyện Chương Mỹ rất nhiều tấm gương nghị lực vươn lên trong cuộc sống để sống một cuộc đời có ích với ý nghĩa “Tàn nhưng không phế”, thế nhưng khi gặp chàng sinh viên khiếm thị Lê Quốc Cường sinh năm 2004 ở xã Trần Phú chúng tôi không chỉ vô cùng cảm phục mà còn ngỡ ngàng bởi sự nỗ lực phi thường đến “kỳ diệu” để vượt qua bóng tối, trinh phục “ánh sáng tri thức” của em.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Trung Kiên– Chủ tịch Hội Người mù huyện Chương Mỹ cho biết: Lê Quốc Cường còn là một hội viên đặc biệt của Hội Người mù huyện khi em tham gia Hội từ lúc mới 6 tuổi và được sự giới thiệu của Hội, chúng tôi tìm về khu tập thể của nhà máy A31 đóng trên địa bàn xã Trần Phú để được gặp Cường trong một ngày chủ nhật khi em về thăm nhà. Khác hẳn với suy nghĩ của chúng tôi là người khiếm thị thường nhút nhát, chậm chạm vì trở ngại đi lại khó khăn, thế nhưng Cường lại vô cùng nhanh nhẹn, tự tin với khuôn mặt tuấn tú, nụ cười tươi rói đặc biệt là luôn tỏ ra rất lạc quan, yêu đời.
Tuổi thơ không may mắn
Chị Nguyễn Thị Lan mẹ của Cường đã nghẹn ngào đưa chúng tôi về với câu chuyện của hơn 20 năm trước. Chị sinh non Cường khi mới được hơn 6 tháng tại bệnh viện Phụ sản Trung Ương. Tuy sinh non nhưng Cường chào đời khỏe mạnh và hoàn toàn không có những biểu hiện bất thường. Chị và cả gia đình hạnh phúc đón Cường - cậu con trai thứ 2 về nhà sau một tuần ở viện.
Những tháng đầu vẫn thấy con hóng chuyện, mắt có hơi chuyển động chậm nhưng cứ nghĩ vì em còn bé. Rồi theo lời bác sỹ, tròn 6 tháng sau khi sinh, chị đưa Cường đi kiểm tra lại, khi ấy em đã được chuẩn đoán bị bệnh lý võng mạc do sinh non nên có thể dẫn đến mù lòa. Đau đớn và thương con, gia đình chị đã đưa Cường đi chạy chữa khắp nơi nhưng đều không có kết quả.
Từ đó, chị Lan đã âm thầm yêu thương chăm sóc hết mực cho Cường chỉ mong bù đắp cho em một phần nỗi bất hạnh quá lớn mà em phải gánh chịu. Năm tháng trôi qua, Cường phát triển khỏe mạnh, như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác, chỉ có đôi mắt của em là vẫn vô vọng, nhưng em rất thông minh và vô cùng thích khám phá, khi em nghe hay cầm nắm được đồ vật gì là em sẽ liên tục hỏi mẹ về thứ đó.
Rồi khi 6 tuổi Cường khát khao đến trường học chữ và cứ đòi mẹ cho đi học bằng được. Thấy con ham học chị Lan và gia đình vừa vui vừa buồn và lo lắng, vì không biết phải cho em đi học như nào, lớp học ở đâu, vì quanh khu vực sống của gia đình không có lơp học dành cho người khiếm thị. Thế rồi tình cờ chị Lan được giới thiệu lên gặp Hội người mù huyện Chương Mỹ lúc ấy là bác Nguyễn Trung Đoàn làm chủ tịch Hội (giờ bác đã nghỉ hưu). Nghe câu chuyện chị Lan kể, bác đã vô cùng cảm động và bảo chị đưa Cường lên gặp. Ngay cuộc gặp gỡ đầu tiên cậu bé Cường khôi ngô, thông minh, đã được Bác Đoàn hướng dẫn kết nạp là Hội viên Hội Người mù huyện để đưa em đi học chữ nổi tại một lớp học do Hội người mù tỉnh Hà Tây cũ tổ chức.
Là một đứa trẻ bình thường mà đi học xa nhà từ 6 tuổi, đã là điều không tưởng và rất ít bố mẹ có thể dũng cảm để con đi học như thế, huống chi Cường lại là một đứa trẻ khiếm thị, chưa từng rời xa sự chăm sóc của người thân. Điều đó khiến Chị Lan và gia đình vô cùng băn khoăn, lo lắng nhưng Cường thì lại reo lên vui mừng, thích thú và liên tục giục bố mẹ cho đi học. Rồi hành trình tìm con chữ, tìm tri thức và khám phá của sống của Cường đã bắt đầu từ đó. Em được tham gia lớp học chữ nổi cơ bản tại Hà Đông và ở bán trú luôn tại đó. Sau 01 năm học, em được chuyển ra trường Nguyễn Đình Chiểu và bắt đầu vào lớp 1.
Em Lê Quốc Cường bên mẹ chị Nguyễn Thị Lan
Hành trình gian nan và nghị lực phi thường của Cường đi tìm con chữ.
Chị Lan kể lại, những ngày đầu Cường đi học ở trường Nguyễn Đình Chiểu con thường hay ngã vì chưa quen với đường đi và môi trường sống. Cứ mỗi lần ra thăm con, nhìn những vết bầm tím trên trán hay ỏ tay chân của em mà lòng chị quặt thắt, chỉ muốn ôm con về nhà. Nhưng ngược lại với mẹ, Cường lại vui vẻ hóm hỉnh bảo “Các anh chị và các bạn bảo ai mới vào trường học cũng thế, ngã đau mới quen mới nhớ, mới tự lập được mẹ ạ. Con thấy bình thường không thấy đau, không thấy buồn, chỉ thấy vui thôi mẹ ạ, khi con ngã, nếu trầy xát có thầy cô giáo có chăm sóc chu đáo cho con”. Dù Cường lạc quan thế nhưng chị Lan thì vẫn không ngừng rơi nước mắt, lòng xót xa thương con vô hạn.
Rồi thời gian thấm thoắt trôi 9 năm học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu cậu bé thông minh lanh lợi Lê Quốc Cường luôn là học sinh xuất sắc và tốt nghiệp loại giỏi của trường.
Em Lê Quốc Cường tham luận tại Đại hội Hội Người mù huyện Chương Mỹ lần thứ VIII
Hành trang đó là động lực để Cường tiếp tục theo học bậc THPT tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Văn Tố - Quận Hoàn Kiếm – Nơi có một lớp học riêng dành cho các bạn khiếm thị. 03 năm nối dài thêm một hành trình gian khó nhưng Cường vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, niềm đam mê và thành tích trong học tập, rồi trở thành một trong số rất ít học sinh khiếm thị tiếp tục con đường vào Đại học. Hiện nay, Cường đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, khoa Xã hội học, chuyên ngành công tác xã hội.
Cường chi sẻ: Những năm học THPT và Đại học, em học rất vất vả bởi bậc tiểu học, THCS còn có sách chữ nổi Braille, chứ đến bậc THPT và Đại học thì hoàn toàn không có. Tài liệu, sách giáo khoa bằng chữ nổi có nhưng rất hiếm và khó tìm. Vì thế mỗi buổi lên lớp, em luôn phải tập trung cao độ để nghe thầy cô giảng để nhập tâm, tiếp thu kiến thưc và ghi bài vào máy tính. Đặc biệt ở bậc Đại học khi cả lớp là sinh viên bình thường chỉ duy nhất có Cường là người khiếm thị lên dù rất ập trung lắng nghe, vừa nghe em vừa áp dụng phương pháp tưởng tượng minh họa ghi nhớ kiến thức. Đây là một phương pháp học rất hiệu quả đối với những học sinh khiếm thị, nhưng có những bài giảng, những phần học em không theo kịp, phải ghi âm lại về nhà nghiên cứu và học tiếp. Rồi rất khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu ôn tập, thường em phải chuyển thể sang giọng nói rồi lại đánh máy lại để học. Vì vậy, so với các bạn sinh viên trong lớp thì em phải nỗ lực hơn rất nhiều, dành thời gian nhiều hơn mới có thể theo kịp. Ngoài ra, Cường còn rất chăm chỉ đọc sách qua Audio trên mạng để giúp tăng thêm vốn sống và khả năng ghi nhớ cho bản thân. Toàn bộ công việc học tập của em trong suốt những năm THPT và Đại học đều gắn liền với chiếc máy tính.
Là một sinh viên Đại học đặc biệt, chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các bạn học trong lớp từ việc đi lại, ăn ở đến việc học tập, nhưng không vì thế Cường mặc cảm, tự ti, sống khép mình, trái lại em vẫn luôn vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Đặc biệt được sự giúp đỡ, yêu thường của thầy cô, bạn bè Cường còn tham gia nhiệt tình và sôi nổi nhiều hoạt động ngoại khóa của trường. Em còn đi tình nguyện với các bạn trong Câu lạc bộ “ Hoa đá” về vùng nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc để tặng quà và dạy tin học cho các em ở đây. Cường cũng tham gia vào một CLB dạy tin học miễn phí cho các em bị khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội.
Cường còn tham gia một số cuộc thi dành cho sinh viên khiếm thị như cuộc thi tìm hiểu “Thế giới quanh em” do Trung ương Đoàn tổ chức; cuộc thi hùng biện tiếng Anh cho học sinh/sinh viên khiếm thị “Vietnam And Friends' Road To English” được tổ chức bởi Tổ chức phi chính phủ Vietnam and Friends và Nhóm Make a Wish; Tham gia chương trình “Go with you” với chủ đề “Tôi tự tin - tôi tỏa sáng” do Hội người mù Việt Nam tổ chức năm 2023. Tại chương trình em cũng tự tin tham gia Thi diễn thuyết theo chủ đề “Tôi tự tin - Tôi toả sáng” và được giải ba. Năm cuối của bậc học THPT, Cường tham gia cuộc thi “Đọc và viết nhanh chữ nổi Braille” do Hội Người mù Thành phố Hà Nội tổ chức và em đã giành giải của cuộc thi.
Em Lê Quốc Cường với tấm giấy khen đạt giải Ba cuộc thi “Đọc và viết nhanh chữ nổi Braill” của Hội Người mù Thành phố Hà Nội.
Cứ ngỡ cuộc sống của một người khiếm thị, sống tự lập, bình thường bên gia đình, người thân đã khó. vậy mà cả một chặng đường dài đi học xa nhà từ khi mới 6 tuổi, tự lập chăm lo cho mình mọi sinh hoạt trong cuộc sống thì không biết khó khăn đến nhường nào nhưng trong câu chuyện với Cường, em đã làm tôi đi hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Tôi đã hỏi Cường một số câu hỏi như: “từ bé em đã không nhìn thấy nhưng đã phải học và sống xa nhà em có gặp nhiều khó khăn không, có lục nào chán nản muốn bỏ về với mẹ không?; Khi học với các bạn khiếm thị thì không sao nhưng khi học Đại học với toàn các bạn bình thường em có thấy buồn và lạc lõng không, có mệt mỏi khi phải theo học để kịp chương trình cùng các bạn không?; Trong cuộc sống có khi nào em oán trách vì ông trời đã bất công không cho mình nhìn thấy ánh sáng không? Tất cả những câu trả lời đều là không ạ, em chỉ thích được đi học thôi, khó khăn mấy mà được đi học cũng được.
Cường nói: Em muốn học để khám phá thể giới, để khẳng định mình có thể hòa nhập, làm việc tốt như những người bình thường khác, không để trở thành gánh nạng của gia đình, không để cha mẹ phải buồn và mọi người nhìn mình với ánh mắt thương hại. Em còn muốn học để sau này có thể giúp đỡ được những cũng bị khiếm thị như em và những người kém may mắm, khó khăn trong cuộc sống đó là lý do em chọn ngành công tác xã hội.
Hơn 20 năm sống trong bóng tối, nhưng trong Cường luôn rực sáng màu sắc của tri thức. Có thể, trên hành trình biến ước mơ thành hiện thực của Lê Quốc Cường đang đi sẽ còn nhiều chướng ngại, nhưng em luôn tin vào một ngày mai tươi sáng hơn cho em và cho tất cả nhưng người khiếm thị hay kém may mắn trong cuộc sống, vì em nói đã từng đọc ở đâu đó câu nói "Người khiếm thị có thể mất đi khả năng nhìn nhưng không mất đi "tầm nhìn trong suy nghĩ" về mọi thứ xung quanh chúng ta; chỉ cần chúng ta nỗ lực, sau tất cả sẽ thành công".
Em Lê Quốc Cường – một sinh viên khiếm thị đã vượt qua tất cả trở ngại với khát khao cháy bỏng sẽ tốt nghiệp Đại học trở thành một người có tri thức, không chỉ giúp cho cuộc sống của mình có ích mà còn có thể giúp đỡ người khác, đã cho tôi và có thể là nhiều người khác một bài học lớn về sự may mắn của cuộc đời mình và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Minh Thân
DANH MỤC TIN TỨC
- Tin tức - Sự kiện nổi bật
- Tin hoạt động Thành phố, trong nước
- Tin hoạt động Đảng - Đoàn thể
- Tin hoạt động HĐND
- Tin Kinh tế
- Tin Văn hóa - Xã hội
- Tin An ninh - Quốc phòng
- Tin cải cách hành chính, chuyển đổi số
- Sắp xếp đơn vị hành chính
- Thông tin Giải phóng mặt bằng
- Tin hoạt động người tốt, việc tốt
- Tin hoạt động các Xã, Thị trấn