GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

Người nông dân lan tỏa giá trị nghề thêu ren truyền thống
Publish date 16/10/2024 | 16:34  | Lượt xem: 63

Giữ trọn tình yêu với nghề thêu ren truyền thống nên dù trải qua bao thăng trầm, ông Lục Quốc Hội, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 5 xã Quảng Bị luôn gắn bó với nghề thêu ren và đạt nhiều thành công mà nhiều người mơ ước. Mới đây nhất, ông Hội được Ban tổ chức Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội vinh danh, trao tặng giải nhất tại Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2024 được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 3/10 – 6/10/2024.

 

Ông Hội đạt giải nhất Hội thi với tác phẩm “Khăn trải bàn hoa Cúc”.

Nhiều năm liền đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở cả 3 cấp xã, huyện và Thành phố, ông Hội cũng là niềm tự hào của tổ chức Hội Nông dân xã, là tấm gương sáng để cán bộ, hội viên nông dân xã học tập.

Để hoa nở trên vải

Nói về tác phẩm “Khăn trải bàn hoa Cúc” đạt giải nhất tại Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2024, ông Hội tự hào chia sẻ: Tôi lên ý tưởng tác phẩm là hình ảnh nhiều bông hoa Cúc đua nhau khoe sắc thắm. Và để hoa nở trên vải, tôi đã truyền cảm hứng của mình nhờ người thợ có tay nghề giỏi nhất để thêu lên bức tranh hoa Cúc trong 25 ngày, tiếp đó lại thêm 3 ngày nữa để 1 người thợ khác ngồi móc dây tua xung quanh tấm khăn. Như vậy từ ý tưởng đến hoàn thiện tác phẩm, để tác phẩm của mình tạo ấn tượng sâu sắc với Ban giám khảo đã mất hơn 28 ngày công lao động cùng nhiều ngày nung nấu ý tưởng. Có ý tưởng hay phải có thợ giỏi thì bức tranh mới trở nên hoàn mỹ. Thành công của tác phẩm “Khăn trải bàn hoa Cúc” cũng là được chính bản thân tôi đúc rút kinh nghiệm từ những lần thi trước vào năm 2019 đạt giải khuyến khích, năm 2023 đạt giải ba. Cùng đó là rất nhiều lần tham gia vào các Hội chợ thương mại do Trung tâm xúc tiến việc làm Thành phố tổ chức. Quá trình tham gia Hội thi, tác phẩm của tôi có sự cạnh tranh với nhiều tác phẩm của các nghệ nhân thêu ren huyện Thường Tín. Vượt lên trên tất cả, chiếc “Khăn chải bàn hoa Cúc” của tôi gây ấn tượng sâu sắc hơn, thêu dày tay mà không rối mắt, thể hiện nhiều đường thêu, mũi thêu tinh xảo chứ không đơn giản như các tác phẩm khác.

Mãi gắn bó với nghề dẫu có thăng trầm

Phục viên bộ đội về nhà năm 1983, đến năm 1984, ông Hội lập gia đình và bén duyên với nghề thêu từ đó. Đến nay đã 34 năm làm nghề dẫu có bao nhiêu thăng trầm, ông vẫn gắn bó với nghề, ngoài mục đích phát triển kinh tế gia đình còn là tâm nguyện duy trì được nghề để cho người dân nông thôn có việc làm, có thu nhập ổn định những lúc nông nhàn.

Ông kể: Những năm đầu làm nghề trên địa bàn xã vẫn còn cơ chế của HTX Thêu ren cho chính bố vợ ông làm Chủ nhiệm. Đến năm 1988, kinh tế xã hội dịch chuyển theo hướng kinh tế thị trường không còn bao cấp nữa, sau khi HTX thêu ren giải thể, ông đi làm thuê cho cửa hàng 44 hàng Trống, Hà Nội. Đến năm 1990, ông đứng ra làm độc lập, nhận hàng về tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong khu vực. Hồi ức lại, ông vẫn nhớ căn nhà cấp 4 cũ của gia đình - nơi ấy những năm đầu làm nghề đã có tới 200 - 300 người lao động địa phương và các xã lân cận, làm hàng xuất khẩu sang Nga, Đức, Ý (Chủ yếu là sang nước Nga).

Phát triển sôi động trong vòng 15 năm từ 1990-2005 thì kinh tế các nước suy thoái, nghề thêu ren bị ảnh hưởng lớn, các đơn hàng bị cắt giảm dần, ông chuyển sang liên kết với một người em họ để bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là khăn, áo, váy, vỏ ga gối, tựa lưng....tại một khách sạn của Hà Nội. Lúc ấy, sản phẩm thêu ren bán rất chạy nhưng do giá trị thuê mặt bằng cao không cho lợi nhuận mong muốn, ông và người em họ cùng phối hợp bán hàng sang các nước Châu Âu. Cứ thế, ông lại có cuộc hành trình mới với nghề thêu ren. Duy trì được đến năm 2015, kinh tế các nước tiếp tục suy thoái nên bán rất chậm, sảm phẩm ứ đọng nhiều. Khó khăn trăm bề nhưng ông vẫn quyết tâm theo nghề. Không bán hàng đi các nước Châu âu nữa, ông chăm chỉ tìm kiếm đầu ra tại các cửa hàng tại Thủ đô Hà Nội, chủ yếu bán cho các cửa hàng tại phố cổ Hà Nội và làng lụa Vạn Phúc Hà Đông. Để bắt nhịp thị trường trong và ngoài nước, từ năm 2015-2024, ông Hội chuyển sang hàng thời trang: Váy, áo dài, khăn chải bàn, túi đựng giày…..

Có người bạn nói với ông “Tôi tưởng ông bỏ nghề lâu rồi”, nhiều người nghĩ vậy và cũng có nhiều người như ông đã bỏ nghề nhưng ông vẫn cứ đau đáu theo nghề bởi một tình yêu tha thiết với nghề. Theo ông có yêu nghề mới duy trì được nghề. Trải qua 34 năm làm nghề với nhiều thăng trầm, hiện nay ông Hội đang tạo công việc làm thường xuyên cho 15 người thợ với mức lượng trung bình từ 4 – 6 triệu đồng/tháng. Cái hay của nghề thêu ren là người làm có thể tranh thủ vừa trông con vừa làm nghề, vừa làm ruộng vừa làm nghề. So sánh với một người đi làm công nhân mất cả buổi đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về cũng được mức lương khoảng 6 – 7 triệu đồng/tháng thì người thêu ren vừa tranh thủ trông con, làm việc nhà, làm ruộng, làm vườn ....rảnh rỗi lúc nào là thêu lúc ấy được. Tiền công trung bình cũng được khoảng 200 nghìn đồng/ngày mà không mất công sức, chi phí đi lại – Ông Hội khẳng định.

Vào những tháng cao điểm là 3 tháng cuối năm, ông thường nhận may và thêu áo dài truyền thống cho mẹ và bé hoặc những lúc nhận được đơn hàng lớn thì còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương và các xã lân cận như: Xã Hồng Phong huyện Chương Mỹ, xã Phúc Lâm, Thượng Lâm của huyện Mỹ Đức. Đặt uy tín lên hàng đầu, hàng về thêu sắc nét theo yêu cầu và không được làm lộ mẫu hàng của khách ra ngoài tránh hiện tượng hàng nhái – Đây là điều kiện tiên quyết của đối tác cũng là tôn chỉ để ông làm nghề, sống vì nghề, gắn bó với nghề. Theo ông như vậy mới tạo được trách nhiệm và sự gắn kết hài hoà giữa những người thợ may và thợ thêu, giữa khách hàng và chủ thêu là ông. Đặc biệt điều đó cũng được thực hiện để bắt kịp xu hướng thị trường một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất từ đó tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và thu nhập ổn định cho người lao động.  

Đặt chất lượng lên hàng đầu để làm, đặt số lượng lên hàng đầu để bán nên ông Hội nhận đơn hàng đều đặn hàng ngày. Để hàng thêu bắt kịp xu hướng thị trường và đạt thời gian đặt của đối tác, ông Hội liên kết với một xưởng may ở địa phương để làm. Chính vì vậy, sản phẩm ông nhận về được ông giám sát thực hiện từ công đoạn cắt may đến thêu ren hoàn thiện sản phẩm. Những chiếc khăn chải bàn hay túi xách, váy, áo... được thêu tay tinh xảo đầy sức sáng tạo khác hẳn với hàng thêu máy dập khuân đã được khách hàng, nhất là khách du lịch nước ngoài ưa chuộng. Qua từng sản phẩm, ông Hội đã khẳng định được giá trị của bản thân cũng như giá trị của nghề truyền thống thêu ren.

Công sức bỏ ra nhiều bởi nhiều công đoạn với nhiều ý tưởng khác nhau phù hợp với từng sản phẩm nhưng cũng do đó sản phẩm  được thêu ren đã được nâng cao giá trị hơn. Chính vì vậy, hàng năm ông Hội đều đạt tổng thu nhập từ 600 triệu đồng - 1tỷ đồng/năm. Nhiều năm nay, ông đều đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố.

Ông Hội tự hào về những sản phẩm thêu ren truyền thống của mình.

Làm nghề giỏi, kinh doanh giỏi và luôn cần mẫn với việc làng, việc nước

Đi bộ đội năm 1977 và về phục viên năm 1983, vừa phát triển kinh tế gia đình, ông Hội cũng hăng hái tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền địa phương. Năm 2017, ông được tín nhiệm bầu làm bí thư Chi bộ thôn. Đến năm 2022 ông tiếp tục được nhân dân bầu làm Trưởng thôn và giữ cương vị Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 5 cho đến nay. Công việc nhiều khi cũng mệt nhưng vì việc làng việc nước, ông luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương giao phó.  

Thôn 5 xã Quảng Bị có tổng số 736 hộ với gần 4000 nhân khẩu. Dân số đông, địa bàn dân cư lại rộng nên công tác quản lý, đảm bảo ANTT gặp nhiều khó khăn. Nhưng đội ngũ cán bộ đảng viên và nhân dân trong thôn luôn đoàn kết vượt khó vươn lên, đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo giữ vững an toàn trật tự, an ninh nông thôn.

Người dân thôn 5 chăm chỉ làm vườn, chạy chợ phát triển kinh tế

Từ một thôn nghèo của xã Quảng Bị nay là một thôn nổi bật của xã về phát triển kinh tế. Người dân trong thôn ngoài làm ruộng còn làm nghề thêu ren, may mặc, làm gỗ, làm hương.....đặc biệt là chạy chợ nông sản hàng ngày để tạo nguồn thu ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện thôn có 80% nhà dân kiên cố, 90% đường bê tông hóa. Số hộ khá giàu chiếm khoảng 50% tổng số hộ. Thôn không còn hộ nghèo nữa và là 1 trong những thôn có hộ cận nghèo ít nhất của xã Quảng Bị, là thôn đứng đầu xã về sản xuất nông nghiệp với khoảng 800 mẫu cây trồng các loại (Chủ yếu trồng các loại rau mơ, là nếp, lá vối để có thể thu hoạch hàng ngày) và khoảng 13 ha thủy sản. Thôn 5 cũng là thôn đứng đầu xã về việc ứng dụng công nghệ số. Thông qua Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 512 thành viên, tất cả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến công việc chung của nhân dân trong thôn đều được cập nhật nhanh nhất để mọi người cùng biết, cùng bàn, cùng làm một cách nhanh chóng, kịp thời và thuận lợi nhất.

Kết quả thôn 5 đạt được đã khẳng định sự đoàn kết thống nhất của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn. Trong đó cũng đã khẳng định vai trò tiên phong của người đứng đầu thôn là ông Hội.

Ông Hội cùng người dân thôn 5 cùng biết, cùng bàn, cùng làm qua Tổ chuyển đổi số cộng đồng của thôn.

 

“Là bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 5, năm nay dù đã 66 tuổi nhưng ông Hội rất nhiệt tình trong mọi công việc. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau – Đúng như câu nói ấy của người dân, bản thân ông hội luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Từ đó lan tỏa đến người dân cùng thực hiện những việc làm tốt, hữu ích vì cộng đồng. Đáng kể trong những ngày ảnh hưởng của cơn bão số 2 đến cơn bão số 3, trong thôn có gần 300 hộ dân bị ngập và cô lập đường đi, cùng với Đảng ủy, chính quyền địa phương, ông Hội đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống, khắc phục ảnh hưởng của bão lũ, đã thực hiện nghiêm việc di dời người dân đến nơi an toàn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời...” -  Bí thư Đảng ủy xã Quảng Bị Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Ông Hội cùng nhân dân thực hiện công tác cứu trợ hỗ trợ người dân bị ngập lụt.

Bà Nguyễn Thị Sâm, một người dân của thôn 5 cho biết: Ông Hội sống rất chan hòa, tìm cảm với mọi người. Trưởng thôn triển khai việc gì, chúng tôi cũng đều hưởng ứng tham gia thực hiện.

Ông Trịnh Bá Hồng, chi Hội trưởng, chi Hội Nông dân thôn 5 chia sẻ - Làm việc cùng ông Hội nhiều năm nay, có việc gì chúng tôi đều bàn bạc công khai, cùng góp ý, cùng thực hiện. Mọi người trao đổi mọi công việc đều hài hòa nên việc gì đã triển khai thì đều đạt kết quả tốt. Như vừa rồi tham gia Giải kéo co và nhảy bao bố do Hội Nông dân xã tổ chức chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14/10, nhờ triển khai nội dung thi và tập luyện, đội thi của thôn 5 chúng tôi đã giành giải nhất ở cả 2 nội dung thi. Ông Hội cùng chúng tôi đều tận tâm với việc làng, việc xã. Chúng tôi tin tưởng khi ông Hội làm Bí thư Chi bộ cũng là Trưởng thôn, mọi công việc của thôn và nhân dân đều đạt kết quả tốt.

Ông Hội cùng với đội thi của thôn tham gia giải kéo co và nhảy bao bố do Hội Nông dân xã tổ chức

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đặng Thị Hòa khẳng định: Không chỉ làm tốt nhiệm vụ của một người cán bộ cốt cán ở thôn 5, ông Hội là niềm tự hào của Hội Nông dân xã khi đã nhiều năm đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở cả 3 cấp xã, huyện và thành phố với nghề thêu ren truyền thống, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Tấm gương làm kinh tế giỏi của ông đang được lan tỏa để cán bộ và hội viên nông dân học tập, noi gương.

 

Lan Oanh

 

Average (0 Votes)