TIN KINH TẾ
Nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng lúa Xuân, huyện Chương Mỹ đang tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ sinh vật hại lúa từ nay đến cuối vụ
Hiện nay, lúa Xuân của huyện Chương Mỹ sinh trưởng phát triển tốt, trà sớm giai đoạn chắc xanh – chín, trà chính đang giai đoạn trỗ - chắc xanh, diện tích lúa đã trỗ 7.250 ha.
Lúa Xuân của Chương Mỹ đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện: Trong thời gian tới thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, nắng mưa xen kẽ, kèm theo giông gió là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh hại phát sinh gây hại.
Cụ thể qua thăm đồng giai đoạn hiện nay: Chuột gây hại rải rác, tỷ lệ hại trung bình 0,5 - 1% đòng, cao 3 - 5% đòng, cục bộ 7-10% đòng, diện tích nhiễm khoảng 2,8 ha.
Bệnh đạo ôn cổ bông đã phát sinh gây hại mạnh trên những giống nhiễm như TBR225, lúa nếp, lúa thơm,… Đặc biệt chân ruộng cấy dày, bón thừa đạm. Tỷ lệ bệnh hại trung bình 0,3-0,5 % số bông, cao 4-6 % số bông, cục bộ 25-30 % số bông, bệnh cấp 5 - 7. Diện tích nhiễm khoảng 15 ha chủ yếu ở các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Đông Sơn, Đông Phương Yên, Lam Điền,...
Bệnh khô vằn phát sinh, gây hại mạnh trên ruộng lúa cấy dày, bón thừa đạm tỷ lệ hại trung bình 2-4 % dảnh, cao 8-10 % dảnh, cấp 1-3; cục bộ 20 - 25 % cấp 3 - 5. Diện tích nhiễm 52 ha.
Bọ rầy phát sinh gây hại chủ yếu ở những ruộng trũng bón thừa đạm, cấy dày, mật độ rầy trung bình 100 - 150 conm2, cao 300 - 500 con /m2, cục bộ 800-1000 con /m2 tuổi 4-5, rải rác ở các xã trên huyện.
Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đã phát sinh nhanh trên các giống lúa nhiễm, ruộng xanh đậm bón thừa đạm, tỷ lệ hại trung bình 3-5 % lá, cao 7-10 % lá, cục bộ 20-25% bệnh cấp 1-3-5 tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Ngoài ra còn có các đối tượng sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, ... gây hại nhẹ rải rác.
Các loại sinh vật hại đã và đang phát sinh gây hại.
Để phòng trừ hiệu quả các loại sâu bệnh hại lúa Xuân, ngày 13/5, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thông báo tình hình sinh vật hại lúa từ nay đến cuối vụ và biện pháp phòng trừ đến các xã, thị trấn
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khuyến nghị nông dân huyện tăng cường kiểm tra đồng ruộng theo dõi diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại hại lúa đặc biệt lưu ý đến đối tượng bệnh đạo ôn cổ bông và bọ rầy. Phân loại các trà lúa, diện tích gieo cấy giống nhiễm tại địa phương để chủ động phòng trừ; Giữ nước nông trên ruộng đến khi lúa chín sáp, để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh của cây;
Yêu cầu HTX nông nghiệp các xã, thị trấn Thông báo, tuyên truyền và hướng dẫn nông dân điều tra phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại lúa để phòng trừ kịp thời hiệu quả; Thông báo, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại đến tận hộ nông dân có diện tích lúa nhiễm có khả năng gây hại nặng, không để sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng.
Đối với bệnh đạo ôn: Chú ý các trà lúa chưa trỗ hoặc thấp thoi trỗ, diện tích đã nhiễm đạo ôn lá. Tổ chức phun phòng trừ ở những diện tích có tỷ lệ bệnh đạo ôn ≥ 1 % lá đòng hoặc cổ lá đòng bị bệnh, phun khi lúa thấp thoi trỗ bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất như Tricylazole, propiconazole, Isoprothiolane, .. (Filia 525 SE; Ninja 35 EC; Beam 75WP, Bump 650 WP...). Phun khi vết bệnh mới xuất hiện.
Đối với bệnh khô vằn: Phun phòng trừ đối với những diện tích có tỷ lệ bệnh khô vằn cao >20% dảnh bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất như: Propiconazole, Difenoconazole, Azoxystrobin, Validamycin,... (Amistar 250 SC, Tilt super 300 EC, Nevo 330EC, Anvil 5SC, Validacin 5SL,...)
Đối với bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá: Phun phòng trừ ngay khi bệnh mới xuất hiện bằng một trong số loại thuốc có chứa hoạt chất Ningnanmycin (Ditacin 8SL, Somec 2SL, ...); Fosetyl Aluminium (Aliette 800 WG, Alpine 800 WG,...); Bismerthiazol (Xanthomix 20 WP, Nanowall 300 WP...); Streptomicin Sulfate ( Lino oxto 200 WP...).
Đối với bọ rầy: Tổ chức phun phòng trừ ở những diện tích lúa có mật độ rầy >2000 con/m2, khi rầy chủ yếu ở tuổi nhỏ bằng một trong các loại thuốc có hoạt chất như: Nitenpyram, Thiamethoxam, Pymetrozine, Buprofezin, ... (Chess 50 WG, Hichespro 50WP, Facetime 750 WP, Yoshito 200WP.. ). Những diện tích lúa chắc xanh - đỏ đuôi cần rẽ luống trước khi phun để thuốc tiếp xúc trực tiếp với bọ rầy, sử dụng một trong các loại thuốc có tính xông hơi, tiếp xúc, vị độc như: Bassa 50EC, Nibas 50EC, Laroma 70WG, ...
Đối với sâu đục thân bướm hai chấm: Lưu ý những diện tích lúa trỗ sau nhất vùng, diện tích trỗ sau ngày 20/5, những diện tích gần ánh sáng đèn,... phun phòng trừ khi có mật độ ổ trứng > 0,3 ổ trứng/m2, phun khi lúa trỗ thấp thoi từ 1-3 % số bông bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất Chlorantraniliprole, Cartap,... (Virtako 40WG, Dupont TM Prevathon 35 WG, Gà nòi 95 SP... )
Đối với bệnh đen lép hạt: Phun phòng trừ ở những diện tích lúa trỗ gặp mưa bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất Propiconazole, Difenoconazole, Azoxystrobin, Hexaconazol ,... (Amistar 250 SC, Tilt super 300 EC, Nevo 330EC, Anvil 5SC,...)
Lưu ý: Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát. Pha đúng theo nồng độ, đảm bảo thời gian cách ly của thuốc theo khuyến cáo trên bao bì và thu gom vỏ bao bì thuốc sau sử dụng để nơi quy định chờ đợt tiêu hủy.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng các xã, thị trấn tích cực thăm đồng, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.
Lan Oanh
DANH MỤC TIN TỨC
- Tin tức - Sự kiện nổi bật
- Tin hoạt động Thành phố, trong nước
- Tin hoạt động Đảng - Đoàn thể
- Tin hoạt động HĐND
- Tin Kinh tế
- Tin Văn hóa - Xã hội
- Tin An ninh - Quốc phòng
- Tin cải cách hành chính, chuyển đổi số
- Sắp xếp đơn vị hành chính
- Thông tin Giải phóng mặt bằng
- Tin hoạt động người tốt, việc tốt
- Tin hoạt động các Xã, Thị trấn