TIN KINH TẾ TIN KINH TẾ

Chương Mỹ: 40 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn không phải thế chấp tài sản, lãi suất 0% để xây hoặc sửa nhà
Publish date 20/08/2024 | 15:47  | Lượt xem: 99

40 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Chương Mỹ trong danh sách được phê duyệt hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở năm 2024 đã được Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, thời hạn 15 năm và được UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ tiền lãi trong thời gian vay vốn.

Đồng chí Quách Thiên Dũng: tặng quà hội viên Nguyễn Thị Phái xã Lam Điền xây dựng nhà mới.

 Với quyết tâm đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và hoàn thành nội dung này trước 30/9/2024, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Chương Mỹ đã phối hợp rà soát, kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ để các hộ được tiếp cận nguốn vốn ưu đãi xã hội.

Theo đó, những hộ nghèo, hộ cận nghèo của thành phố trong danh sách được phê duyệt hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, ngoài phần kinh phí được UBND thành phố Hà Nội và Quỹ vì người nghèo các cấp hỗ trợ, đối với những hộ có nhu cầu vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (NHCSXH) cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách thành phố.

Về phương thức cho vay, NHCSXH thực hiện ủy thác một số công việc trong quy trình cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội. Cơ chế ủy thác như chương trình cho vay đối với hộ nghèo. Hộ vay phải là thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập theo quyết định của NHCSXH. Theo đó, NHCSXH giải ngân 100% vốn vay theo quy định ngay sau khi hộ gia đình khởi công xây dựng hoặc sửa chữa nhà.  

Những năm qua, Chương trình cho vay hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn được thực hiện đa dạng các hình thức huy động nguồn lực và hỗ trợ bằng tiền, vật tư, công lao động để xây dựng nhà ở. Chương trình được triển khai theo hướng: Bản thân hộ nghèo tự xây dựng nhà ở với sự đóng góp, giúp đỡ tích cực từ phía cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ ngân sách thành phố, huyện, xã kết hợp vốn vay của NHCSXH. Không chỉ vậy, chương trình cho vay đã gắn xã hội hóa với công khai hóa chính sách, nguồn lực, đối tượng được hỗ trợ, thực hiện tốt việc rà soát, bình xét dân chủ từ cơ sở, bảo đảm đúng đối tượng và tạo sự công bằng, đoàn kết tại cộng đồng dân cư. Nguồn kinh phí được quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền và sự giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Công tác hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa nhân văn, đảm bảo chính sách an sinh xã hội của thành phố Hà Nội. Cuối năm 2023, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND quy định về việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Hà Nội. Ngày 18/01/2024, UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch liên tịch số 24/KHLT-UBND-UBMTTQ về hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Hà Nội. Huyện Chương Mỹ trong năm 2024 đã ban hành 04 Quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện với tổng 45 hộ trong đó có 40 hộ xin vay và đã được giải ngân với tổng số tiền là 2 tỷ đồng và 06 hộ không có nhu cầu vay vốn.

Tính đến 31/7/2024, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở là 14.325 triệu đồng, với 572 hộ vay còn dư nợ, tăng 1.363 triệu đồng so với 31/12/2023.

Bà Phan Thị Lê (ngồi giữa) bày tỏ niềm vui mừng phấn khởi khi được xây dựng nhà mới ấm áp nghĩa tình

Bà Phan Thị Lê ở thôn Tân Hợp xã Văn Võ xúc động chia sẻ : “Tôi là hộ nghèo neo đơn, thường xuyên đau ốm, nhà thì xuống cấp, hễ mưa là dột. Nếu không có nguồn vốn ưu đãi xã hội cùng với sự giúp đỡ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và dòng họ, làng xóm thì không biết bao giờ tôi mới có ngôi nhà mới”

Đó cũng là ý nghĩa nhân văn của chương trình nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo sớm thoát nghèo, ổn định cuộc sống./.

Hồng Đào – Hạnh Nguyên

 

Average (0 Votes)