PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI - TÌM KIẾM CỨU NẠN PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI - TÌM KIẾM CỨU NẠN

Huyện Chương Mỹ tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau mưa lũ
Publish date 06/08/2024 | 18:32  | Lượt xem: 226

Đến ngày, 6/8, huyện Chương Mỹ chỉ còn 3 thôn bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Để khôi phục sản xuất, theo chỉ đạo của UBND huyện, nước rút đến đâu, người dân ưu tiên trồng các loại rau màu ngắn ngày.

 

Thống kê sơ bộ của UBND huyện, trận mưa lũ vừa qua đã làm ngập, ảnh hưởng 1.183ha lúa, 354ha rau màu, 243ha cây ăn quả, 1.703ha nuôi trồng thủy sản, 4.893 gia súc và 184.912 gia cầm...

Để kịp thời khắc phục khó khăn trước mắt cho các xã, ngày 30/7 UBND huyện đã tạm cấp kinh phí cho xã Nam Phương Tiến mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm cung cấp cho các hộ dân trong vùng ảnh hưởng, với số tiền là 810 triệu đồng. Ngày 01/8, huyện tiếp tục cấp 337,8 triệu đồng cho Trung tâm Y tế mua thuốc, vật tư phòng, chống chống dịch bệnh và khắc phục xử lý bệnh trên địa bàn huyện sau mưa bão. Tiếp đó, ngày 03/8, huyện tạm cấp hỗ trợ xã Tân Tiến kinh phí mua lương thực, hàng hóa nhu yếu phẩm hỗ trợ tới các hộ dân bị ảnh hưởng, với số tiền 265,4 triệu đồng.

Từ 7h30 sáng 01/8, UBND các xã, thị trấn bị ngập đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường; với phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh khử khuẩn đến đó để người dân sớm ổn định đời sống và tiếp tục phục hồi sản xuất”.

Các lực lượng và người dân xã xã Nam Phương Tiến vệ sinh môi trường sau mưa lũ.

Đến 7h00ngày 6/8, số nhân khẩu phải sơ tán cơ bản đã trở về nhà, vệ sinh nhà cửa. Toàn huyện đã huy động 220 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, gần 1000 dân quân, cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên và 12 phương tiện tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học để chuẩn bị đón năm học mới.

Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung kiểm kê, xác minh thiệt hại kịp thời hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.

Về khôi phục sản xuất, diện tích đất lúa bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đến thời điểm này không còn phù hợp để tái vụ, vì vậy sau khi nước rút cạn, huyện sẽ ưu tiên trồng rau và cây vụ Đông sớm như: dưa chuột, cà chua, rau màu các loại ở những ngôi đất cao. Đồng thời, động viên người dân tái đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời kiểm tra, đánh giá sự cố các công trình giao thông, hạ tầng, nhà ở, đê điều, thủy lợi. Kiểm soát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi".

Tại vùng rốn lũ - xã Nam Phương Tiến, một trong những xã chịu thiệt nặng nề nhất trong đợt ngập úng vừa qua, trong sáng 6/8 đường vào 3 thôn: Nhân Lý, Hạnh Bồ, Hạnh Côn vẫn còn nhiều đoạn ngập sâu 30-40cm nước, có đoạn tới 60cm, ảnh hưởng tới 95 hộ dân... Ngoài đồng ruộng, nhiều khu vực trồng trọt, chăn nuôi vẫn trắng nước.

Trò chuyện với phóng viên, ông Phùng Văn Lượng, ở thôn Nhân Lý cho biết, gia đình vay mượn 1,8 tỷ đồng nuôi 10.000 con gà lấy trứng và thịt. Mặc dù đã chủ động đưa đàn gà đi gửi ở nhiều thôn nhưng vì nước lũ lên quá nhanh, gia đình vẫn mất hơn 3.000 con, thiệt hại gần 300 triệu đồng.

Ông Phùng Văn Lượng và một số hộ dân thôn Nhân Lý xã Nam Phương Tiến bắt đầu khôi phục sản xuất, chăn nuôi khi nước rút.

 

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nam Phương Tiến Trần Thị Thu Hằng cho biết: toàn xã có 70ha lúa, 10ha rau màu các loại, 6ha cây ăn quả, 135ha thủy sản bị thiệt hại. Với diện tích rau màu, người dân có thể tái sản xuất các giống cây vụ Đông ngắn ngày như dưa chuột, cà chua, bắp cải, su hào…ngay khi nước rút cạn. 135ha nuôi trồng thủy sản cũng có thể tái sản xuất khi nước lũ rút hết.

Với diện tích lúa bị ngập là khoảng 70ha, không thể tái vụ, chuyển sang trồng cây ngắn ngày cũng không ổn vì vùng này rất trũng; vì thế xã sẽ khuyến khích người tái đàn, chăn nuôi vịt thả đồng. Việc hỗ trợ về giống cây trồng và vật nuôi tái sản xuất, từng bước ổn định lại cuộc sống sau mưa lũ là điều người dân rất mong mỏi và xã sẽ tập trung chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại về trồng trọt và chăn nuôi, để đề xuất cấp trên hỗ trợ theo quy định và hỗ trợ một số loại cây, giống cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.

Xã Nam Phương Tiến cấp phát kịp thời các phần quà của các tổ chức. cá nhân trao tặng đến người dân bị ngập úng.

Về hỗ trợ đảm bảo cuộc sống cho người dân những ngày qua, lãnh đạo xã Nam Phương Tiến cho biết: xã đã tiếp nhận và cấp phát kịp thời các nhu yếu phẩm đến người dân trong vùng ngập úng gồm: 2025 bình nước lọc loại 20L, 706 thùng nước lọc; 4,7 tấn gạo, 1.797 xuất quà, 163.000.000đ tiền mặt và nhiều nhu yếu phẩm như: lương khô, mì tôm, nước mắm, muối, dầu ăn, dầu Diesel, nến, áo mưa, thuốc nhỏ mắt, cloramin B. Tiếp nhận hàng cứu trợ nhận từ các tổ chức, cá nhân về đến đâu, xã cấp phát ngay trong ngày đến tay người dân.

Ngay từ những ngày đầu ngập úng, UBND xã chủ động lắp đặt 10 bồn chứa nước (dung tích 2.000 lít) để tiếp nhận nước sạch từ Công ty môi trường đô thị Xuân Mai, để cấp cho người dân. Dư luận nhân dân rất phấn khởi khi được sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân dành cho bà con trong những ngày ngập úng.

 

                                                   Minh Thân