PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI - TÌM KIẾM CỨU NẠN
Sáng 13/8, UBND huyện Chương Mỹ họp với đơn vị tư vấn, các xã, thị trấn bàn giải pháp giảm thiểu thiệt hại, thích ứng với lũ rừng ngang. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Đức chủ trì hội nghị.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Đức chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiêu úng và phòng, chống lũ rừng ngang khu vực hữu sông Bùi thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ” (thuộc Viện Quy hoạch thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trình bày các nguyên nhân gây ra đợt lũ lụt cho 11 xã, thị trấn vùng hữu sông Bùi những năm gần đây. Để giảm thiệt hại do lũ rừng ngang, nhóm tác giả Đề tài trên đề xuất huyện Chương Mỹ cần di dân tại chỗ một phần thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai; Nâng cấp hệ thống đường, trường, trạm bảo đảm cao độ chống lũ. Bên cạnh đó, xây dựng đê ngăn và cải tạo sông, suối để tăng khả năng thoát lũ. Xây dựng đê hữu Bùi thành 4 khu vực khép kín, có kết nối đê dọc sông Bùi để quản lý, ứng phó với cao trình đê chống lũ 7-8m. Xây dựng trạm bơm phân tán, tiêu nước triệt để…
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các xã, thị trấn: Xuân Mai, Tân Tiến, Tốt Động, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên đề xuất nâng cấp một số công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học…
Chủ tịch UBND thị trấn Xuân Mai Phùng Xuân Hải cho biết, thôn Bùi Xá có 135 hộ dân, ngập lụt chủ yếu là 35 hộ. Hiện 35 hộ này đều xây dựng nhà ở kiên cố. Để chống ngập lụt cho 35 hộ dân này, cần nghiên cứu giải pháp nâng cấp tuyến đường từ quốc lộ 6 qua khu dân cư.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ Lê Hoài Thi, nguyên nhân ngập là do lũ rừng ngang, lũ sông Bùi tràn vào, mưa lớn. Vì vậy, để chống ngập cho 336 hộ trên địa bàn xã và xã Nam Phương Tiến, cần nâng cấp đê từ Yên Trình lên Nam Phương Tiến khoảng 50-70cm; nâng cấp một số đoạn đường và nhà văn hóa thấp trũng.
Chủ tịch UBND xã Tốt Động Phùng Xuân Toàn cho rằng, khi xảy ra lũ rừng ngang, xã có hai thôn bị ảnh hưởng nặng nhưng chưa có trong nghiên cứu. Hai thôn này thường xuyên bị cô lập. Lũ chảy qua các hồ, tràn qua đường Hồ Chí Minh. “Ngăn lũ là rất khó vì vậy, nguyện vọng của thôn Đồng Dâu là nâng cấp toàn bộ đường giao thông, có chỗ tới 2m để không phải đi lại bằng thuyền. Huyện có thể nghiên cứu làm tường bê tông. Khó di dân. Bên cạnh đó là xử lý sự cố đoạn đê cứng.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Nguyễn Công Nam cho rằng nếu nâng cốt đê thì chỉ ảnh hưởng 20-30 hộ. Nhưng lại có thể ảnh hưởng vùng tả Bùi. Vì vậy, xã đề xuất nâng cốt cho Tân Tiến hai đoạn đường dài khoảng 1km. Nếu làm 2 đoạn này sẽ giảm ít nhất 200 hộ. Hơn nữa kết nối được các xã bị lũ cô lập. Tân Tiến trực tiếp ảnh hưởng lũ rừng ngang. Nên cần thiết cải tạo cứng hóa hệ thống kênh tiêu; xây trạm bơm Việt An để tiêu cho 250ha nông nghiệp, phi nông nghiệp.
Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng đồng tình với lãnh đạo xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ và có ý kiến: Nếu không được phép nâng cốt đê thì đề xuất nâng cấp tuyến đường thì 850 hộ dân của xã sẽ bị không ảnh hưởng. Đoạn đường này có thì bao cho một số khu dân cư, công trình văn hóa. Dài khoảng 3km. Trạm bơm Nhân Lý hoạt động rất hiệu quả. Do có trạm bơm này mà tình hình úng ngập giảm 15 ngày.
Theo Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển thủy lợi Chương Mỹ Đỗ Việt Dũng, muốn vận hành tối đa thiết kế công trình tiêu úng cho khu vực hữu Bùi thì cần phải nạo vét sông Bùi, sông Đáy. Bên cạnh đó là nạo vét 3 hồ thủy lợi là: Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu để tăng dung tích trữ, cắt lũ rừng ngang. Đơn cử, hồ Đồng Sương được thiết kế trữ khoảng 11 triệu mét khối nước nhưng dung tích hữu ích hiện nay chỉ còn khoảng 5 triệu mét khối. Bên cạnh đó, cần quan tâm nâng cấp, cải tạo suối Cầu Tây, Vai Bò…
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức giao cơ quan chuyên môn của huyện lập báo cáo, đề xuất thành phố Hà Nội các giải pháp giảm thiểu thiệt hại, thích ứng với lũ rừng ngang; trong đó đề xuất đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ khôi phục sản xuất sau lũ lụt…/.
Lan Oanh