XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ đóng góp tích cực trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”
Publish date 28/02/2025 | 16:27  | Lượt xem: 147

Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ vừa được Chủ tịch UBND Thành phố tặng Bằng khen tại Quyết định số 915/QĐ-UBND ngày 24/02/2025 về việc khen thưởng Tổng kết thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy và phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao là cơ quan thương trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/HU ngày 18/3/2021 của Huyện ủy Chương Mỹ về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn huyện; những năm qua Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc Chương trình số 04-CTr/HU của Thành ủy và Chương trình 07-CTr/HU.

Đồng chí Tống Văn Thái – Huyện ủy viên, Trưởng phòng Kinh tế huyện đại diện tập thể phòng Kinh tế nhận khen thưởng trong thực hiện Chương trình số 07-CTr/HU của Huyện ủy

Trong xây dựng nông thôn mới, Phòng Kinh tế huyện đã chủ động phối hợp với các Phòng, ban, ngành huyện hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện nông thôn mới, Kết quả Huyện Chương Mỹ đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được công nhận huyện tiếp tục rà soát, duy trì giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội. Hướng dẫn các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Kết quả, đến hết năm 2024 toàn huyện có 16 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (vượt chỉ tiêu của Nghi quyết Đại hội Đảng bộ huyện và thành phố giao); 04 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/HU, hàng năm phòng Kinh tế huyện triển khai công tác rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của các xã trong huyện.

Phòng Kinh tế huyện đã làm tốt công tác tham mưu triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP trên địa bàn huyện. Kết quả, lũy kế đến hết năm 2024, có 100% số xã, thị trấn trong huyện có sản phẩm OCOP; toàn huyện có 232 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 54 chủ thể; trong đó có 111 sản phẩm OCOP 3 sao, 116 sản phẩm OCOP 4 sao và 05 sản phầm tiềm năng 5 sao.

Phòng Kinh tế huyện đã tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, cơ cấu cây trồng của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các giống cây trồng có chất lượng, giá trị kinh tế và hiệu quả cao với các giống lúa chất lượng cao (tăng từ 68,7% năm 2020 lên trên 79% vào năm 2024). Đã xây dựng thành công bộ giống lúa chủ lực là các giống lúa hàng hóa, hạn chế được sâu bệnh, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, xây dựng được một số thương hiệu gạo hữu cơ Năng suất lúa hàng năm đạt trên 60 tạ/ha; tổng sản lượng lương thực bình quân đạt 10 nghìn tấn/năm. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết giá trị với các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và ứng dụng công nghệ tiên tiến đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất lên nhiều lần. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2,5 đến 3 lần so với trồng lúa; tổng diện tích đã chuyển đổi giai đoạn 2021-2024 đạt 135ha.

Phòng Kinh tế huyện tham mưu thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình OCOP trên địa bàn huyện.

Trên địa bàn huyện có 590 trang trại (tăng 67 trang trại so với năm 2020); Đàn lợn có 215 nghìn con; đàn trâu, bò có 10,2 nghìn con; đàn gia cầm có 6.300 nghìn con. Các giống vật nuôi trên địa bàn huyện chủ yếu là các giống cao sản, năng suất cao, ít bệnh; tăng cung ứng giống và các dịch vụ khác cho nông dân sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 85 nghìn tấn, tăng 1,3 lần so với năm 2020; huyện đã quy hoạch 312 ha chăn nuôi tập trung tại 18 xã, thị trấn.

Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 3.150ha; sản lượng thủy sản thu hoạch đạt 22.500 tấn, tăng 1,6% so với năm 2020. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm, không xảy ra chặt phá rừng.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn sau rà soát hiện trạng là 700,71ha. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; duy trì, bảo vệ diện tích rừng hiện có; đẩy mạnh trồng cây nhân dân được tổ chức phát động tại Lễ phát động tết trồng cây đầu Xuân hàng năm, giai đoạn 2021-2024 toàn huyện đã trồng được 201.000 cây các loại.

Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản, tạo dựng và nâng cao một số chuỗi liên kết tiêu biểu trong lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn huyện đã hình thành được 14 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; đã xây dựng phát triển nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm; tiếp tục mở rộng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, hữu cơ.

Về phát triển kinh tế nông thôn: sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển; tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng khu công nghiệp và tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện. Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đạt 24.045 tỷ đồng (năm 2020 là 14.585 tỷ đồng); tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 5 năm là 10,5%/năm, (mục tiêu Đại hội là 9,7%/năm). Đã tổ chức 25 lớp tập huấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 2.475 học viên. Toàn huyện có 35 làng được UBND thành phố công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 10 làng nghề hoạt động hiệu quả, có 01 khu công nghiệp, khởi công xây dựng hạ tầng Cụm Công nghiệp Đông Phú Yên với diện tích 41,2 ha. Các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng hoạt động sản xuất có hiệu quả, tạo việc làm cho trên 02 vạn lao động có thu nhập ổn định.

Tập thể cán bộ, công chức Phòng Kinh tế huyện (chụp tháng 10/2023)

Tập thể cán bộ, công chức Phòng Kinh tế huyện luôn nêu cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác. Tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương. Có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương và nội quy, quy chế làm việc của cơ quan.

Kim Thoa

Average (0 Votes)