XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Chương Mỹ: Chương trình xây dựng nông thôn mới làm thay đổi diện mạo nhiều miền quê
Publish date 08/04/2025 | 15:11  | Lượt xem: 26

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn nhiều địa phương của huyện Chương Mỹ đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên. Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020. Đến nay, trên địa bàn đã có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, huyện Chương Mỹ đã ban hành Chương trình 07-CTr/HU của Huyện ủy Chương Mỹ về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025. Sau hơn 4 năm triển khai và tổ chức thực hiện, Chương Mỹ đã gặt hái được nhiều thành quả ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi căn bản, toàn diện bộ mặt nông thôn; đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Một góc huyện Chương Mỹ nhìn từ trên cao.

Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Chương Mỹ được đầu tư nâng cấp.

Xã Trần Phú được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Chính vì vậy, ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã tập trung huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí và đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Ngay sau đó, năm 2024, xã tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Được sự quan tâm của huyện Chương Mỹ, xã đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập người dân. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2024 đạt 79,58 triệu đồng/người/năm, tăng 12,79% so với năm 2023. Toàn xã không còn hộ nghèo. Kết quả, xã Trần Phú được UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu kiểu mẫu ở hai lĩnh vực: Y tế và Giáo dục & Đào tạo.

Trạm Y tế, Sân vận động xã Trần Phú

Xã Hợp Đồng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021. Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của xã cơ bản ổn định và đạt được kết quả khá toàn diện. Các chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người tăng. Riêng năm 2023 đạt 79 triệu/người/năm và năm 2024 ước đạt 84 triệu/người/năm. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ngoài 02 tiêu chí thu nhập và thôn thông minh, xã Hợp Đồng còn lựa chọn 04 tiêu chí: An ninh trật tự, Y tế, Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo.

Xã Ngọc Hòa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Sau 07 năm đến năm 2024, xã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nhờ xây dựng nông thôn mới đến nay 100% trục chính, đường liên xã được nhựa hóa, bê tông tông hóa; 100% đường ngõ xóm có điện chiếu sáng; Trạm y tế xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% các thôn có nhà văn hóa; Thu nhập bình quân đầu người đạt 73,62 triệu/người/năm; toàn xã không còn hộ nghèo. Các trường học trên địa bàn được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng phục vụ tốt công tác dạy và học. Trong đó, Trường Tiểu học Ngọc Hòa được đầu tư trên 36 tỷ, đạt chuẩn mức độ 1; Trường THCS được đầu tư trên 14 tỷ, đạt chuẩn mức độ 1,… Trên địa bàn xã có sản phẩm “ Bộ sưu tập áo dài thêu họa tiết hoa Sen” của Hộ kinh doanh áo dài Sắc Việt được UBND huyện Chương Mỹ cấp chứng nhận OCOP 3 sao…

Trường học, đường giao thông xã Ngọc Hòa được xây dựng khang trang

Về xã Thanh Bình, mọi người có thể dễ dàng nhận thấy được sự đổi thay của một vùng quê với hệ thống đường giao thông được trải nhựa, đổ bê tông đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân; trạm Y tế, trường học, nhà văn hóa của các thôn được đầu tư xây dựng khang trang. Năm 2019, xã được Thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2024 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Từ năm 2021 – 2024, xã đã huy động được 78.828 triệu đồng xây dựng nông thôn mới; trong đó, ngân sách của Thành phố chiếm tỷ lệ 29,3%, huyện chiếm 49,8%, ngân sách xã chiếm 4,6%, huy động nhân dân đóng góp và xã hội hóa được 12.370 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 16,3%. Nhờ đó, diện mạo xã có nhiều đổi mới, sáng, xanh, sạch đẹp. Đời sống nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 79,86 triệu/người/năm và xã không còn hộ nghèo.

Có thể thấy rõ sự đổi thay rõ rệt ở các vùng quê của huyện Chương Mỹ sau nhiều năm thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, huyện Chương Mỹ tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hướng tới xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại theo hướng phát triển đô thị trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của từng vùng, từng địa phương. Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn; thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phát huy thế mạnh từng vùng và bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng hài hòa giữa giữ gìn giá trị văn hóa truyền thốngvới đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường gắn với phát triển du lịch làng nghề.

Kim Thoa

Average (0 Votes)