XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Chương Mỹ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân
Publish date 25/10/2024 | 11:00  | Lượt xem: 208

Cụ thể hóa Chương trình 04-CTr/HU của Thành ủy, Huyện ủy Chương Mỹ đã xây dựng Chương trình 07-CTr/HU, ngày 18/3/2021 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn huyện. Đây là một trong 09 Chương trình công tác toàn khóa của Ban chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ 24, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình số 07, Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo, đồng chí Bí thư Huyện ủy kiêm Trưởng Ban chỉ đạo. Đồng thời thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo. Hàng năm, Ban Chỉ đạo đều ban Kế hoạch hoạt động ngay từ đầu năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình. Cùng với đó, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Hàng quý, Ban Chỉ đạo tổ chức họp giao ban, nghe báo cáo tiến độ thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các xã, các ngành trong tổ chức thực hiện Chương trình. Chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn căn cứ nhiệm vụ được giao để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình bằng các kế hoạch công tác và chỉ đạo triển khai thực hiện.

Huyện Chương Mỹ được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020

Hạ tầng nông thôn huyện Chương Mỹ

Công tác kiểm tra được duy trì thực hiện thường xuyên và đã kiểm tra 13 lượt Đảng ủy các xã về công tác triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình 07, tập trung vào các xã nằm trong kế hoạch phấn đấu về đích xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Văn phòng nông thôn mới huyện, Phòng Kinh tế huyện (Cơ quan thường trực BCĐ), các phòng, ban chuyên môn của huyện luôn chủ động đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, Chương trình số 07-CTr/HU của Huyện ủy. Kịp thời tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo, Văn phòng nông thôn mới huyện và Tổ công tác giúp việc khi có thay đổi về nhân sự. Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các xã nằm trong kế hoạch xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 hoàn thiện các tiêu chí theo quy định.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều nội dung phong phú, sáng tạo về hình thức, tiếp tục phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn huyện.

Chương trình 07-CTr/HU có 25 chỉ tiêu, kết quả thực hiện dự kiến đến hết năm 2025 có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 14 chỉ tiêu đạt và còn 05 chỉ tiêu chưa đạt. Cụ thể, 06 chỉ tiêu đạt vượt kế hoạch đó là: số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 5.4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo 89; Tỷ lệ bao phủ hiểm y tế 95,15%; Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa 94%; Tỷ lệ hộ gia đình có ít nhất 01 điện thoại thông minh 97%;  14 Chỉ tiêu đạt Kế hoạch đó là: tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiển mẫu; Hợp tác xã hoạt động hiệu quả; Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện: 85 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên: 97,4%; Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: 39%; Hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố;Tỷ lệ thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa: 95%;Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia: 83,7%; Duy trì xã đạt chuẩn quốc gia về y tế: 100%; Tỷ lệ xã có điểm bưu chính có người phục vụ: 100%; Tỷ lệ các thôn phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng: 100%; Tỷ lệ thu gom và vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn: 100%; Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%; Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường 100%.

Xác định xây dựng Nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và của huyện về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các mô hình hay, cách làm mới, gương điển hình tiên tiến trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện và của các xã, thị trấn trong huyện,…Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội huyện đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn về công tác xây dựng nông thôn mới, về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cho cán bộ, đoàn viên, hội viên. Huyện đã phối hợp với Văn phòng nông thôn mới thành phố tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho trên 4500 lượt cán bộ thôn, xã trên địa bàn huyện.

Mô hình đường hoa ở xã Hoàng Diệu, Thanh Bình của Chương Mỹ

Trung tâm Văn hóa – TT&TT huyện đã phát trên 3.600 tin bài trên sóng phát thanh và đăng tải trên cổng thông tin điện tử hàng nghìn tin, bài, hình ảnh về NTM, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân. Phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương, của Thành phố đưa nhiều tin, bài, hình ảnh về chương trình xây dựng NTM của huyện, về phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, những mô hình tiêu biểu trên lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của huyện.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã và triển khai đồng bộ, các nhiệm vụ giải pháp trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Chương Mỹ đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Những năm qua, huyện tập trung quyết liệt chỉ đạo các xã tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hàng năm, Ban Chỉ đạo Chương trình 07 tổ chức rà soát, lựa chọn đưa vào kế hoạch chỉ đạo các xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hết n ăm 2023, toàn huyện có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đó là Thủy Xuân Tiên. Năm 2024, Ban chỉ đạo Chương trình 07 huyện tập trung chỉ đạo 05 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao và 04 xã phấn đấu  đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Nguồn vốn đã bố trí thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, luỹ kế vốn từ năm 2021 đến tháng 6/2024 là trên 1.614 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn nhận được sự hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới của các Quận nội thành. Từ năm 2021 đến nay huyện Chương Mỹ đã được 05 quận hỗ trợ kinh phí xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 104.067 triệu đồng.

Triển khai thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy và Chương trình 07 của Huyện ủy, những năm qua, huyện Chương Mỹ đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Ngành trồng trọt trên địa bàn huyện những năm gần đây có xu hướng giảm diện tích sản xuất lúa, tăng diện tích trồng các cây hàng năm, cây lâu năm…Diện tích sản xuất được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, hữu ngày càng tăng. Cơ cấu giống lúa tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ diện tích giống cho hiệu quả kinh tế cao làm tăng giá trị sản xuất trên 1ha canh tác; Năng suất lúa ước đạt 65 tạ/ha; các cây trồng khác đều cho năng suất khá. Diện tích cây lâu năm là 2.051ha, diện tích cây ăn quả các loại ổn định và phát triển tốt.

Thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản sạch; tiếp tục sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao; tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản huyện Chương Mỹ giai đoạn 2021-2025” đã được Huyện ủy Chương Mỹ phê duyệt; UBND huyện Chương Mỹ đã cụ thể hóa tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản, tạo dựng và nâng cao một số thương hiệu nông sản chủ lực của Chương Mỹ như: Bưởi Chương Mỹ, trứng gà, rau quả, gạo hữu cơ.... Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi, các sản phẩm chủ lực của huyện cơ bản đã được tiếp cận và tham gia vào các chuỗi giá trị nông sản của các doanh nghiệp và các hợp tác xã như: Chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau của Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn; Chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ của Hợp tác xã nghiệp hữu cơ Đồng Phú; Chuỗi sản xuất - tiêu thụ bưởi Chương Mỹ của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; Chuỗi sản xuất - tiêu thụ trứng gà của Công ty Cổ phần Tiên Viên; chuỗi gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến; chuỗi sản xuất rau, quả hướng hữu cơ của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn,…Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu như: mô hình chăn nuôi thỏ của hợp tác xã thỏ Việt Nhật Chương Mỹ; mô hình sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới, tưới tiết kiệm nước của các hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn, hợp tác xã dịch vụ khoa học công nghệ và tiêu thụ nông sản Chương Mỹ; mô hình sản xuất hoa lan tại xã Thụy Hương...

Một số mô hình trong sản xuất nông nghiệp

Huyện đã tích cực thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 99% khâu thu hoạch lúa, 1% khâu cấy với 6 máy cấy, 01 thiết bị bay tự động phun thuốc Bảo vệ thực vật. Thực hiện cơ giới hóa trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và cơ giới hóa trong khâu chế biến nông lâm thủy sản.

 Huyện đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát triển kinh tế nông thôn. Trên địa bàn huyện tổng số có 104 hợp tác xã được thành lập; trong đó, có 80 hợp tác xã đang hoạt động; Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả là 56 hợp tác xã. Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo 33/33 Hợp tác xã nông nghiệp tổ chức Đại hội thường niên; kiện toàn Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Toàn huyện có 10 cụm công nghiệp, trong đó có 06 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có cụm công nghiệp Ngọc Sơn và Ngọc Hòa đã có trạm xử lý nước thải. Trong năm 2024, huyện đã tổ chức khởi công đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Đông Phú Yên. Trên địa bàn huyện có 35 làng nghề được công nhận, trong đó có 2 làng nghề truyền thống; qua rà soát có 25 làng nghề có Đề án bảo vệ môi trường.

Ban Chỉ đạo Chương trình 07 đã phối hợp với các Ban Chỉ đạo Chương trình “Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân huyện Chương Mỹ, giai đoạn 2021-2025”; Chương trình “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Chương Mỹ - Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” triển khai các giải pháp để nâng cao đời sống nông dân.

Chương Mỹ thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội

Những năm qua, huyện đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – gọi tắt là OCOP. Lũy kế đến hết năm 2023 trên địa bàn huyện có 21 xã, thị trấn có sản phẩm OCOP với tổng số 178 sản phẩm, của 37 chủ thể được phân hạng cấp sao từ 03 sao trở lên. Năm 2024, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP và phấn đấu hết năm 2024 có 100% số xã, thị trấn có sản phẩm OCOP; các sản phẩm OCOP được hỗ trợ tem nhãn, thiết kế bao bì, kiểm soát nguồn gốc, quản lý chặt chẽ; các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đều được đưa lên quảng bá, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử. Tháng 9 vừa qua, huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng đợt 1 năm 2024 cho 27 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2024, kết quả có 5 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 18 sản phẩm đạt 3 sao. Huyện quan tâm giới thiệu các sản phẩm OCOP quảng bá trên các sàn thương mại điện tử…

Chương Mỹ triển khai có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Quá trình thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy và Chương trình 07 của Huyện ủy từ năm 2021 đến nay, tuy còn nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tình hình biến động của thế giới; đặc biệt, trong năm 2024 huyện chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 2 và số 3, lũ rừng ngang gây ra, cả hệ thống chính trị tập trung để thực hiện công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ nhân dân các xã vùng rốn lũ của huyện.... Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phấn đấu nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện vẫn tiếp tục phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác quốc phòng - quân sự địa phương được thực hiện tốt, các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo. Diện mạo nông thôn huyện Chương Mỹ đổi thay, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Bình quân thu nhập đầu người toàn huyện năm 2023 đạt 74 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2025, đạt 85 triệu đồng/người/năm, đạt mục tiêu đại hội đề ra.

Thời gian tới, Huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã được công nhận xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2030, có 90% số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 4,0% trở lên. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung phù hợp với quy hoạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề, làng nghề truyền thống. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện. Phát triển kinh tế trang trại theo chuỗi giá trị bền vững, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm an toàn tiến tới sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm, nhằm phát huy giá trị văn hóa của địa phương.

          Kim Thoa

Average (0 Votes)