DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Nhà thờ danh nhân Phùng Đình Nghĩa
Publish date 31/05/2024 | 15:49  | Lượt xem: 116

Thôn Đông Viên, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ có một di tích cổ được xây dựng trên thế đất cao ráo ở trung tâm thôn để thờ vị thủy tổ của họ Phùng vùng Hữu Văn. Di tích được mang tên là nhà thờ danh nhân Phùng Đình Nghĩa. Đồng thời di tích còn có tên khác là Nhà thờ họ Phùng, tên chữ là "Phùng tộc từ đường".

Nhà thờ danh nhân Phùng Đình Nghĩa được xây dựng tại quê hương bản quán của ông để thờ phụng ông và phu nhân. Sinh thời ông là người có nhiều công lao trong việc xây dựng và bảo vệ chính quyền phong kiến nhà Hậu Lê (dân thế kỷ XVIII), sau khi ông mất được triều đình ban sắc cho dân làng và dòng họ được thờ phụng, bắt đầu từ ông cho chép gia phả truyền lại cho muôn đời con cháu dòng tộc họ Phùng trong vùng.

Song thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chương Mỹ nói chung, Hữu Văn nói riêng là vùng vành đai trắng, bị thực dân Pháp tàn phá rất nặng nề. Chúng đốt phá nhà cửa, ruộng, vườn nhằm triệt phá kinh tế của nhân dân ta. Tàn hại hơn chúng ra sức tàn phá những di sản văn hóa được cha ông ta xây dựng và truyền lại từ lâu đời. Những di sản ở nhà thờ bị bọn chúng phá gần hết trong đó quý nhất là các văn bản hán nôm: Gia phả, sắc phong...

Danh nhân Phùng Đình Nghĩa - một vị quan văn võ song toàn, sinh, sống và làm quan ở thời Hậu Lê. Dù ở cương vị nào ông cũng đều đem hết sức lực công hiến cho nhân dân và đất nước. Khi làm quan trong triều ông giữ lòng trung thực, không che chở bênh vực điều sai. Là vị quan có nhiều tài đức, sống liêm khiết, không vụ lợi nên ông không ngại tỏ rõ chính kiến của mình. Sống trong hoàn cảnh xã hội rối ren, vua Lê chúa Trịnh, Phùng Đình Nghĩa vẫn giữ đạo đức tư cách một viên quan đại thần trung thành, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó, được tin cậy đến những giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Sau này khi tuổi cao sức yêu ông mất đi để lại sự tiếc thương vô bờ bến trong triều chính, nhân dân và dòng tộc họ Phùng. Sự tiếc thương, yêu quý ấy được thể hiện ở việc triều đình đã ban tặng nhiều danh hiệu cao quý và cho phép dòng họ được xây dựng nhà thờ để thờ phụng ông muôn đời.

Nhà thờ danh nhân Phùng Đình Nghĩa

Nhà thờ danh nhân Phùng Đình Nghĩa được xây dựng từ lâu đời ở phía đông thôn Đông Viên, nhìn theo hướng đông đông nam. Bố cục kiến trúc chính theo kiểu chữ nhất gồm các hạng mục công trình: Hậu đường, Thiêu hương, Tả Hữu mạc, sân, hệ thống nghi môn. Từ ngoài đi vào ta bắt gặp nghi môn của nhà thờ, được xây dựng bằng vôi vữa theo kiểu Tam quan trồng diêm hai tầng tám mái đao cong, lối đi chính được làm ở giữa to hơn, hai bên là 2 công pháo được làm nhỏ hẹp hơn. Hai bên của cổng nghi môn là hệ thống tường bao, hệ thống tường bao này chạy chung quanh tất cả khuôn viên của di tích. Qua nghi môn bước vào khuôn viên của di tích, qua một lối đi nhỏ và một khoảng sân rộng sẽ đến các hạng mục công trình kiến trúc chính của di tích. Thiêu hương được làm biến thể theo kiểu Phương đình (có hình dạng là một công trình kiến trúc gỗ có hình vuông). Nhìn từ bên ngoài tòa kiến trúc này được làm hai tầng tám mái đao cong, bờ nóc đắp hoa chanh. Tiếp sau tòa thiêu hương là tòa kiến trúc Hậu đường. Tòa Hậu đường được làm 3 gian 2 dĩ nhỏ, 2 mái chảy và làm dạng kiến trúc nội tự ngoại khách (phần hè của di tích được làm với một khoảng rất rộng xưa kia với mục đích để tiếp khách còn bên trong nội tự dùng để thờ tự). Trong Hậu đường có xây một bệ gạch theo kiểu tam cấp, để bài trí các đồ thờ như bát hương, đài nước, cây nến... bia thờ được gắn vào tường, bia này có ghi tóm tắt về tiểu sử, công trạng của danh nhân Phùng Đình Nghĩa. Ở hai bên của tòa thiêu hương là nhà tả hữu mạc. Cả hai tòa kiến trúc này đều được tạo tác theo các kiểu thức giống nhau: đều được xây dựng 3 gian 2 mái chảy, xây tường hồi bít đốc trên mặt bằng 2 hàng chân cột. Tại di tích còn lưu giữ được một khối lượng di vật quý như: bia đá, câu đối, khám thờ….

Những ngày tiệc chính tại nhà thờ danh nhân Phùng Đình Nghĩa gồm: Ngày 10 tháng Giêng, tất cả con cháu dòng họ đi tảo mộ tổ, sau đó về tại di tích để hội họp. Ngày 3/4 toàn gia tộc về nhà thờ để dâng hương tổ tiên tưởng nhớ ngày mấtt của cụ thủy tổ. Ngày 29/8, ngày giỗ Phu nhân của Phùng Đình Nghĩa. Ngoài ra còn có những ngày lễ khác như: Tết nguyên đán, tết mừng cơm mới tháng 5 và tháng 10....

Đất nước ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại để bảo vệ Tổ quốc, nhiều người con quê hương, dòng họ Phùng đã được nhân dân tiễn đưa lên đường đánh Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ từ nhà thờ này. Nhà thờ là căn cứ thường xuyên cho các đơn vị bộ đội, cơ quan nhà nước, cơ quan của thủ đô, báo Nhân dân: Trước kia Quân khu 3 đã chọn đây là trụ sở làm việc trong một thời gian dài ở thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Thời kỳ 1964 - 1968 nhà thờ là địa điểm tránh nạn của con cháu cán bộ báo Nhân dân...

Trải qua thời gian và hai cuộc chiến tranh, Nhà thờ danh nhân Phùng Đình Nghĩa bị tàn phá, hư hỏng nặng trên kiến trúc gỗ. Sau hoà bình, nhà thờ được tu sửa và bảo tồn lại nên hiện trạng rất bền chắc, khang trang. Dòng họ cũng đã thành lập ban bảo vệ di tích. Nhà thờ danh nhân Phùng Đình Nghĩa đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố năm 2004.

Nguyễn Huế

Average (0 Votes)