DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

DI TÍCH MIẾU TRÀNG AN
Publish date 21/03/2024 | 16:04  | Lượt xem: 102

Miếu Tràng An hiện tại thuộc tổ dân phố Tràng An, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội. Dân làng Tràng An xa xưa là dân vùng An Lão, trấn Sơn Tây. Vào triều vua Gia Long nhà Nguyễn, có 04 dòng họ ở An Lão di dân đến làng Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ và làng Mai Lĩnh, tổng Đồng Dương, huyện Thanh Oai. Về sau này có thêm một số dòng họ nữa đến cùng hội tựu khai hoang lập nghiệp, quần cư an lạc và đặt tên là thôn Tràng An để nhớ đến gốc gác An Lão ngày trước.

Di tích miếu Tràng An

Miếu Tràng An thờ tướng quân Lý Triện – một danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nổi danh thao tài trong buổi bình định giặc Minh, lập lên triều Lê Sơ, được mệnh danh là thời thịnh trị nhất của chế độ Quân chủ chuyên chế Việt Nam. Ông quê gốc ở Thọ Xuân, Thanh Hoá. Đương thời khi phò tá Lê Thái Tổ, ông được ban quốc tính họ Lê, vì vậy có sách nghi tên là tướng quân Lê Triện.

Ngôi miếu được xây dựng trên khu đất cao, đẹp nằm ở đầu làng Tràng An nhìn về hướng Tây-Bắc. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng cùng một số di vật còn lại như giếng cổ, chân đá tảng... thì miếu Tràng An xưa kia khá đồ sộ gồm nghi môn, đại bái và hậu cung và một số công trình phụ trợ khác. Trải qua thời gian và chiến tranh, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến của Đảng và nhà nước, nhân dân nơi đây đã dỡ bỏ ngôi miếu cũ. Sau ngày hoà bình lập lại, để tưởng nhớ tiền nhân, người khởi nguồn vun gốc, chính quyền và nhân dân nơi đây đã khởi dựng lại ngôi miếu trên nền đất cũ.

Hiện tại, ngôi miếu gồm các hạng mục công trình chính như sau: nghi môn, bức bình phong, đại bái và hậu cung. Từ đường vào, hạng mục đầu tiên ta gặp là nghi môn. Nghi môn miếu Tràng An được làm theo kiểu một lối đi chính, hai trụ biểu đồ sộ, đỉnh trụ đắp tứ phượng chầu, tiếp đến là sập hổ phù, xuống dưới là ô lồng đèn, thân trụ soi gờ kẻ chỉ, bên trong đắp các đôi câu đối bằng chữ hán có nội dung ca ngợi công đức thành hoàng và cảnh quan di tích. Từ nghi môn, theo đường trục chính vào đại bái ta gặp bức bình phong. Bức bình phong làm theo kiểu cuốn thư. Đại bái miếu Tràng An được cổ nhân làm ba gian nhà ngang, tường xây hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri. Hậu cung được làm theo kiểu cuốn vòm gô tích. Bên trong còn treo hoành phi và các đôi câu đối do nhân dân đem tâm công đức.

Trải qua thời gian tồn tại hiện nay miếu Tràng An còn lưu giữ được nhiều hiện vật. Đặc biệt có 1 giếng cổ, đây là một nguồn nước mà người dân Tràng An xưa lấy về dùng. Khoảng năm 426 khi đức ngài Lý Triện về đóng quân tại đây Ngài đã cùng quân sĩ sử dụng nguồn nước này. Tương truyền mạch nước của giếng thông ra sông đáy và kề cận bến Ninh Kiều. Ngoài ra đình còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự khác.

Miếu Tràng An tuy không còn giữ được toàn phần kiến trúc của ngày khởi dựng. Nhưng hiện nay, với những hạng mục kiến trúc mang đậm yếu tố dân gian thì miếu Tràng An đã hội tụ đầy đủ là một công trình kiến trúc tín ngưỡng của người dân nơi đây. Các cấu kiện kiến trúc gỗ có giá trị tiêu biểu mang phong cách mỹ thuật thế kỷ XIX, góp phần không nhỏ cho việc nghiên cứu lịch sử của vùng đất văn hoá truyền thống.

Trải qua các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, miếu Tràng An đã có những đóng góp đáng kể. Thời tiền khởi nghĩa, làng là địa chỉ đỏ để các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng về hoạt động, như đồng chí Nguyễn Văn Trân – nguyên Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Vũ Song - nguyên Bí thư tỉnh uỷ Hà Đông và nhiều cán bộ cấp cao khác đã lưu trú tại đây. Trong cách mạng tháng 8 và các giai đoạn tiếp theo, miếu Tràng An là nơi hội họp của nhân dân, nơi thu lại ấn tín của chính quyền phong kiến, nơi tuyên truyền đường lối cách mạng. Từ năm 1966 đến năm 1975, miếu được sử dụng làm kho quân trang, vũ khí của quân đội phục vụ cho chiến trường Miền Nam. Ngày nay, nhân dân địa phương đã và đang từng bước tôn tạo để ngôi miếu mãi mãi là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của toàn thể nhân dân làng Tràng An.

 

Nguyễn Huế

Average (0 Votes)