DI TÍCH LỊCH SỬ
Di tích cấp Thành phố đình Ứng Hoà - xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Đình Ứng Hoà thờ đức Đông Hải Đại vương, một danh tướng đời Hùng Duệ Vương có công lớn trong việc dẹp giặc Thục.
Theo cuốn ngọc phả cho biết: Thời ấy, ở bộ Ai Lao có người họ Thục tên Phán, cùng dòng hoàng diệp với triều Hùng, ngầm chỉnh đốn binh sĩ, giả danh tuần phòng các đạo tiến đến chiếm đóng biên cương. Nhà vua rất lo lắng, bèn triệu Sơn Thánh vào triều tiếp kiến và giao binh quyền cho ông. Sơn Thánh sai binh sĩ phô trương thanh thế, chặn các đường giặc đến, giao chiến trận đầu bất phân thắng bại, ngài thu binh về và kén chọn hơn 50 trai tráng trong trang làm gia thần. Ít lâu sau, ngài lại giao chiến với quân giặc, trận này quân giặc thất thủ thây chất thành núi, chiến lợi phẩm thu được mhiều không kể xiết. Sau khi thắng trận, ngài trở về tế lễ trời đất, cha mẹ, thiết lập hành cung sống cùng với nhân dân. Ngài lại tấu lên vua lấy nơi đây làm nơi thờ cúng, nghìn năm hương hoả. Tưởng nhớ công lao của ngài, nhân dân nơi đây đã lấy ngày sinh là 06 tháng 02 âm lịch, ngày hoá là 07 tháng 07 âm lịch, và dựng cung miếu phụng thờ.
Đình Ứng Hoà dựng trên khu đất cao ở trung tâm của làng, trông về hướng tây nam, phía trước đình có hồ nước rộng, cây xanh mướt toả bóng mát in xuống hồ nước. Ngôi đình được làm theo kiểu kiến trúc chữ “vi” với các hạng mục chính gồm: Nghi môn, Đại bái, Hậu cung và Tả hữu mạc. Nghi môn làm theo kiểu ba lối đi, một lối đi chính và hai lối đi nhỏ.
Đại bái làm theo kiểu tường hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri, bờ nóc bờ chảy đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp hai đấu đinh, cuối bờ chảy xây giật cấp bằng vôi vữa. Vào bên trong, tương ứng với ba gian là bốn bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “thượng giá chiêng chồng rường hạ cốn, bẩy”. Kiến trúc toà Đại bái đình được làm tương đối cầu kỳ thể hiện qua các mảng chạm trên các bộ vì với kỹ thuật tinh xảo theo cách chạm lộng, chạm bong kênh.
Hậu cung đình là ba gian nhà ngang, phần trước làm hai tầng mái, bờ nóc đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp hai rồng lá Makara, giữa bờ nóc đắp mặt trời, cuối bờ dải xây giật cấp. Phần chồng diêm, ở cổ diêm nối giữa mái một và mái hai, chính giữa đắp bốn chữ Hán. Hai bên được đắp tứ linh long ly quy phượng. Vào bên trong, Hậu cung được chia thành hai phần làm theo kiểu “nội tự ngoại khách”. Từ phần hiên, bước qua ngưỡng cửa là cung cấm. Kiến trúc phần cung cấm được làm đơn giản gồm “Giá chiêng chồng rường, hạ rường nách”.
Đình còn bảo lưu được nhiều di vật quý với chất liệu khác nhau có niên đại trải dài từ thế kỷ thứ XIX.
Đình Ứng Hoà đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2006.
Một số hình ảnh tiêu biểu của di tích: