DANH NHÂN VĂN HÓA DANH NHÂN VĂN HÓA

TƯ NGHIỆP QUỐC TỬ GIÁM LÊ HIẾU TRUNG: BỀ TÔI TIẾT NGHĨA
Publish date 06/01/2023 | 18:51  | Lượt xem: 1082

Tư nghiệp Quốc tử giám Lê Hiếu Trung (?-1522) người xã Chi Nê, Huyện Chương Đức (nay là làng Chi Nê, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ông thi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân tại khoa thi Nhâm Tuất (1502) đời vua Cảnh Thống. Trong đời vua Quang Thiệu khi đang giữ chức Quốc Tử Giám Tư Nghiệp, triều đình xảy ra binh biến, Trịnh Tuy làm phản, bắt vua Lê Chiêu Tông từ hành cung Thượng Yên Quyết đưa về Thanh Hóa. Lê Hiếu Trung không cho, rồi ông tự tử chết, được người đời khen là Bề tôi tiết nghĩa.

Làng Chi Nê là vùng đất nổi tiếng của huyện Chương Mỹ về truyền thống khoa bảng qua các triều đại phong kiến. Theo sách Người Hà Tây trong làng khoa bảng thì từ năm 1247 đến 1849 huyện Chương Mỹ có 26 người đỗ đại khoa (Tiến sĩ, Thám hoa, Phó bảng) thì riêng làng Chi nê có tới 10 vị Tiến sĩ, Thám hoa. Ngày nay trong dân gian vẫn còn lưu truyền các câu ca nói về sự học nổi tiếng của làng Chi Nê:

“Giàu thì Quảng Bị, Bối Khê

Làm quan Lương Xá, Chi Nê, Đại Từ”

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất truyền thống khoa bảng, từ nhỏ Lê Hiếu Trung đã nổi tiếng về văn chương ở vùng. Khi lớn lên, ông tham gia vào quân đội triều đình, ông giữ quân hạng Định Huân. Mặc dù làm nghĩa vụ bảo vệ đất nước nhưng ông vẫn không quên việc ngày đêm dùi mài kinh sử. Tại khoa thi Nhâm Tuất (1502) đời vua Cảnh Thống, Lê Hiếu Trung đã thi đỗ đại khoa đệ tam giáp đồng tiết sĩ xuất thân. Ông là người thứ hai đỗ đại khoa của Làng Khoa Bảng Chi Nê.

Văn bia Tiến sĩ Lê Hiếu Trung tại làng Khoa bảng Chi Nê, xã Trung Hòa.

Ông là một vị quan thanh liêm, chính trực được triều đình tín nhiệm. Năm 1507 Lê Hiếu Trung khi đó đang làm Giám sát Ngự sử được cử làm phó đoàn sứ đi sang nhà Minh để tạ ơn việc sắc phong. Sau khi trở về ông được thăng chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám. Sách Lịch triều Hiến chương loại chí có ghi lại chức trách của Tế Tửu, Tư Nghiệp Quốc Tử Giám là: “phụng mệnh trông coi nhà Văn Miếu, rèn tập sĩ tử, phải chiếu theo chỉ truyền, hằng tháng theo đúng kỳ cho (học trò trường Giám) tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước”. Theo quy định thời kỳ này thì Tư Nghiệp Quốc Tử Giám phải là những bậc đại khoa, văn chương, trí tuệ uyên bác, đạo đức trong sáng. Lê Hiếu Trung với tài năng, đạo đức của mình đã không phụ sự mong đợi của triều đình trong việc quản lý và đào tạo ra nhân tài cho đất nước.

Giai đoạn ông làm quan là quãng thời gian triều đình nhà hậu Lê gặp nhiều biến động, tranh giành quyền lực dẫn đến nhiều bất ổn trong nước. Các phe phái tranh giành quyền lực, tạo phản. Trong hoàn cảnh đó, Lê Hiếu Trung vẫn kiên định một lòng tận trung với triều đình, không theo bè phái. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngày 19 (tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1522)), Trịnh Tuy làm phản, uy hiếp bắt ép vua về xứ Thanh Hoa. Quốc Tử Giám Tư Nghiệp Lê Hiếu Trung tử tiết. Đây cũng là sự kiện lớn bắt đầu cho việc Nhà Mạc cướp ngôi của Nhà Lê. Tấm gương tiết nghĩa của Lê Hiếu Trung còn được ghi lại trong nhiều sách chính sử qua các triều đại về sau như các sách: Lịch Triều hiến chương loạn chí; Khâm Định Việt sử thông giám cương mục; Đại Nam nhất thống chí…

Theo Lịch Triều hiến chương loạn chí của Phan Huy Chú (mục Nhân Vật Chí – Bề Tôi Tiết Nghĩa) đã đưa ra những tấm gương bề tôi tiết nghĩa tiêu biểu qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Trong đó thời Trần có 6 người, thời Lê sơ có 40 người và cuối thời Lê có 1 người. Những người này đều là những người trung nghĩa vẹn toàn với triều đình, thà chịu chết chứ không chịu khuất phục thù trong giặc ngoài, để lại tiếng thơm muôn đời. Lê Hiếu Trung là một trong số các Bề tôi tiết nghĩa đó. Ông đã tử tiết để không chịu khuất phục bè phái Trịnh Tuy làm phản, ông tử tiết để là một bề tôi trung nghĩa với triều đình, để giữ lại danh thơm cho muôn đời hậu thế.

Các thế hệ con cháu sau này của Lê Hiếu Trung đã noi gương tiết nghĩa của ông cũng trở thành những người trung nghĩa. Ông Lê Đăng Yên đã cho chúng tôi xem bản dịch của Gia Phả dòng họ Lê Đăng ở làng La Khê, trong đó có viết:

“[Tiên tổ tôi] họ Lê tự là Hiếu Trung, quê quán xã Chi Nê, Huyện Mỹ Lương, phủ Quốc Oai xứ Sơn Tây. Cụ từ nhỏ đã lặn ngụp trong vực thánh hiền, du chơi trong biển học, văn chương nổi tiếng ở đời, thật đáng bậc cự Nho…”. Trong Gia Phả cũng ghi Lê Hiếu Trung có 4 người con trai. Sau khi ông mất đi thì người con trưởng ở lại quê hương. Người con thứ là Thái Nham Hầu di cư đến thôn La Khê, là người tính nết trung hiếu, ông đã mang quân để “phù Lê diệt Mạc”, là bậc đại công thần. Con cháu các đời sau vẫn nối tiếp sự trung nghĩa và hiếu học của cha ông mình, dòng họ Lê Đăng có nhiều người đỗ đạt trong đó có người đỗ đại khoa đó là Tiến sĩ Lê Đăng Cử, đỗ tại khoa thi Kỷ Hợi (1779), làm đến Đông các Hiệu Thư.

Đã tròn 500 năm kể từ ngày Tư nghiệp Quốc Tử Giám Lê Hiếu Trung đã bất khuất tự vẫn để trở thành một Bề Tôi Tiết Nghĩa, tấm lòng trung nghĩa đó vẫn được các thế hệ hậu thế của dòng họ Lê Văn ở làng Khoa bản Chi Nê, xã Trung Hòa khắc ghi và răn dạy con cháu để sống và làm việc sao cho xứng đáng với công đức đã gây dựng của bậc tiền nhân. Văn bia Tiến sỹ Lê Hiếu Trung được các thế hệ con cháu dòng họ Lê Văn, làng Khoa bảng Chi Nê cùng nhau đóng góp tiền của để tôn tạo; đoàn kết chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn giá trị lịch sử, truyền thống hiếu học cho muôn đời sau.

Dòng họ Lê Văn, làng Chi Nê duy trì hoạt động khuyến học, khuyến tài để động viên, khích lệ các thế hệ con cháu.

Hàng năm cứ đến ngày giỗ của ông và mồng 4 tết con cháu dòng họ Lê đều tổ chức tế lễ trang trọng tại văn bia Tiến sĩ Lê Hiếu Trung được đặt cạnh mộ tổ họ Lê Văn tại làng Chi Nê. Vào dịp này, dòng họ Lê cũng tổ chức các hoạt động khuyến học, tặng quà cho các cháu trong họ có thành tích học tập tốt như: thi đỗ các trường đại học, cao đẳng, các cháu đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, các cháu có thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi các cấp…

Phát huy tinh thần hiếu học của ông cha, thế hệ sau của dòng họ Lê đã có nhiều người đỗ đạt, công tác trong nhiều lĩnh vực an ninh quốc phòng, y tế, giáo dục, công nghệ cao, xây dựng doanh nghiệp phát triển kinh tế góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh.

 

                                                                                       Lê Văn Dũng

                                                                        ( Thôn Chi Nê, xã Trung Hòa)
Average (0 Votes)