DANH LAM THẮNG CẢNH - DU LỊCH SINH THÁI DANH LAM THẮNG CẢNH - DU LỊCH SINH THÁI

Danh thắng Tử Trầm Sơn
Publish date 19/04/2021 | 21:24  | Lượt xem: 166

Chùa Trầm còn gọi là Tử Trầm Sơn thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, cách Hà Nội khoảng 24 km. Quần thể di tích chùa Trầm có lịch sử lâu đời, do Tướng quân Trần Văn Tăng khởi dựng từ khoảng đầu thế kỷ 16.  

Chùa Trầm còn gọi là Tử Trầm Sơn thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, cách Hà Nội khoảng 24 km. Quần thể di tích chùa Trầm có lịch sử lâu đời, do Tướng quân Trần Văn Tăng khởi dựng từ khoảng đầu thế kỷ 16.

Chùa Trầm tọa lạc trên một khoảnh đất cao, rộng rãi và thoáng mát. Chùa được xây lưng tựa núi Trầm, mặt hướng sông Đáy. Đây là lối xây dựng phong thủy quen thuộc trong tín ngưỡng người Việt. Lên bậc tam cấp bước vào nhà Trung điện 5 gian mái ngói, hàng cột hiên được dựng bằng đá vững chắc. Đi tiếp vào bên trong là Thượng điện và Hậu cung. Hậu cung là nơi tôn nghiêm người ngoài không được phép tự ý vào. Chùa có lối kiến trúc độc đáo với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo trên cửa, trên bức khảm. Ngoài ra còn có nhiều di vật đặc trưng như: Các cặp câu đối, hoành phi sơn son thiếp vàng, án thờ, ngai thờ, tượng phật …  

 

 

 

 

 

Một số hình ảnh tại di tích quốc gia chùa Trầm

Động Long Tiên hay còn gọi là Hang Trầm nằm trong khuôn viên chùa Trầm. Cửa hang rất rộng, phía trên cửa hang khắc 3 chữ Hán khá to: “Long Tiên động”. Bên trên các vách đá khắc các bài thơ chữ nho. Trong động thờ khá nhiều tượng phật, ngoài ra còn có các hình phật khắc nổi trên cách vách đá. Động còn có nhiều nhũ đá với muôn hình thù, màu sắc rất sinh động, du khách có thể tùy ý tưởng tượng thành mái tóc tiên, khánh đá, chuông đá, hay hình rồng, hình phượnghoa sen đá...

Trong động không gian mát lạnh như một phòng điều hòa tự nhiên. Bước vào trong, du khách sẽ cảm thấy thư thái, dễ chịu và chắc chắn Long Tiên động sẽ đem đến cho du khách nhiều khám phá thú vị, khó quên.

Đây còn là nơi ghi dấu lịch sử. Phía trước cửa hang có xây dựng biểu tượng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đánh dấu mốc quan trọng về điểm đầu tiên Đài tiếng nói Việt Nam di dời từ Bạch Mai, Hà Nội về hang Trầm tiếp tục công tác phát thanh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, vào đêm 19/12/1946, Đài tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng chính tại động Long Tiên, đêm giao thừa Tết Đinh Hợi năm 1947, Bác Hồ đã đến Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lời chúc tết chiến sỹ, đồng bào cả nước. Bác viết câu đối mừng nhà chùa bằng chữ Hán: “Cao sơn hữu ý thiên niên bút/Lưu thủy vô thanh vạn cổ cầm”. Bác còn viết tám chữ trên giấy điều để sư cụ chùa Trầm dâng lên bàn thờ Phật: “Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành”. Năm 1966, bác về thăm động viên đơn vị bộ đội thuộc quân chủng phòng không, không quân và làm việc một ngày tại chùa Trầm.

Cách chùa Trầm khoảng 800m, Chùa VôVi nằm trên một núi đá nhỏ, từ cổng chùa leo lên lưng chừng núi là ba gian thờ mẫu, cạnh đó là nhà thờ Tổ. Leo tiếp lên qua vài tháp nhỏ có bài thơ khắc vào vách đá. Từ dưới cổng chùa đi lên, vượt qua hơn 100 bậc đá là đến chùa Vô Vi. Cạnh chùa có một ngách thông lên nhà vuông, đây là lầu ngênh phong quanh năm lộng gió, không gian thoáng mát. Phía trên có treo một quả chuông đồng đúc năm 1814 thời nhà Nguyễn.

Đến với quần thể chùa Trầm, du khách không chỉ được chiêm bái Phật, cầu sức khỏe, bình an mà còn được mãn nhãn với phong cảnh đặc sắc nơi đây. Sau khi tham quan hết các chùa, hang động bạn có thể thử sức leo núi đá. Có hai lối leo chính, một lối nằm cạnh Động Long Tiên, địa thế khá dốc, lối này dành cho những ai ưa thích mạo hiểm. Hai là vòng ra ngoài đường cái đi theo lối mòn sau chùa chính để lên núi Trầm. Khu vực núi Trầm là nơi dã ngoại nổi tiếng của các bạn trẻ vào ngày cuối tuần. Đứng trên núi không gian như được thu gọn trong tầm mắt, những cánh đồng xanh mướt, những ao cá đậm chất thôn quê. Xa xa là dãy núi nhỏ - nơi có di tích chùa Trăm Gian. Trước cảnh sắc mênh mông, phóng khoáng của đất trời, con người như dứt khỏi mọi toan tính, mưu sinh thường nhật để tận hưởng cảm giác thật thư thái, an yên.

Nguyễn Huế

(Trung tâm Văn hóa – TT&TT Chương Mỹ)

 

 

Average (0 Votes)