DANH NHÂN VĂN HÓA DANH NHÂN VĂN HÓA

Đô đốc Đông Lĩnh hầu – Đặng Tiến Đông
Ngày đăng 15/11/2022 | 09:46  | Lượt xem: 283

Đô đốc Đông Lĩnh hầu – Đặng Tiến Đông

Đặng Tiến Đông quê ở làng Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ. Ông xuất thân trong một gia đình đại quí tộc, một dòng họ thế phiệt “dòng dõi làm tướng, đời đời làm quan”. Đặng Tiến Đông sinh ra và lớn lên vào khoảng hai phần ba sau thế kỷ XVIII là một giai đoạn đang diễn ra những biến động dữ dội của xã hội. Chế độ phong kiến suy thoái và chiến tranh nông dân bùng cháy khắp nơi, lay chuyển tận gốc rễ cơ đồ thống trị của vua Lê chúa Trịnh. Sự ruỗng nát của chính quyền họ Trịnh, đời sống cùng khổ của nhân dân và sức mạnh quật khởi của quần chúng, thực tiễn lịch sử đó đã tác động mạnh đến tư tưởng, tình cảm của ông.

Phủ thờ họ Đặng làng Lương Xá, nơi thờ Đô đốc Đặng Tiến Đông đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia

Năm 1747, Đặng Tiến Đông lên 9 tuổi, bắt đầu theo học thầy Doãn Xá tại chùa Thủy Lâm (hay chùa Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ). Ông cắp sách đến trường đúng vào lúc phong trào nông dân khởi nghĩa ở Đàng Ngoài đang phát triển rầm rộ. Cha và anh của ông đã từng cầm quân đàn áp những cuộc khởi nghĩa đó và nhiều phen bị thất bại thảm hại.

Năm 1749, Đặng Tiến Đông 12 tuổi thì mồ côi cha. Mười năm sau, năm 1759, mẹ ông cũng qua đời. Sớm mồ côi cha mẹ, nhưng ông đã học hành, đỗ đạt. Đến năm 1787, ông lặn lội vào Quảng Nam, đến quân doanh yết kiến Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Cuộc tri ngộ này mở ra một bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Tiến Đông. Ông được Nguyễn Huệ đón tiếp niềm nở và lập tức được ban ấn kiếm, phong chức Đô đốc Đồng Tri, tước Đông lĩnh hầu, trấn thủ xứ Thanh Hoa.

Trong chiến thắng lịch sử của trận Ngọc Hồi Đống Đa mùa xuân năm 1789 do Quang Trung Nguyễn Huệ lãnh đạo. Đặng Tiến Đông đã có công lao cống hiến xuất sắc, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc chiến tranh yêu nước, đập tan mộng tưởng cướp nước của bọn phong kiến Mãn Thanh và âm mưu bán nước của bè lũ Lê Chiêu Thống; giải phóng hoàn toàn kinh thành và đất nước khỏi ách chiếm đóng của  ngoại bang, giữ vững nền độc lập tự do cho Tổ quốc. Trong lễ phong  thưởng các tướng sĩ tổ chức tại kinh thành Thăng Long sau chiến thắng, Quang Trung đã khen ngợi Đô đốc Đặng Tiến Đông và ban cho ông làng Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn.

Từ đầu năm 1790, Đặng Tiến Đông vào Phú Xuân, được phong Đại đô đốc, cai quản Đại thiên hùng binh và trông nom việc chế thuốc súng.

Sinh thời, Đặng Tiến Đông rất quan tâm đến quê hương gốc ở Lương Xá. Tại đây, sau nhiều năm biến loạn, dân cư phiêu bạt đi các nơi, ông đã có công chiêu tập dân trở về khai khẩn đất đai, mở mang xóm làng. Ông còn cúng cho làng 600 quan tiền và 17 mẫu ruộng tốt, trong đó 7 mẫu để thờ cúng ở điện miếu, 9 mẫu để thờ cúng bốn vị hậu của họ Đặng và 1 mẫu giao cho chùa Thuỷ Lâm cúng giỗ và các lễ hàng tháng.

 

Ban thờ Đô đốc Đông lĩnh hầu Đặng Tiến Đông tại Phủ thờ họ Đặng

Đặng Tiến Đông cũng như tổ tiên của ông là những người sùng Phật. Ông rất gắn bó với chùa Trăm Gian và làng Tiên Lữ. Ông mến cảnh đẹp của ngôi chùa cổ kính này và nhiều lần lên ngoạn cảnh. Nhờ có công trùng tu, tôn tạo chùa nên sau khi ông mất, nhân dân trong vùng và con cháu vẫn đời đời ghi nhớ công ơn của “quan Đô”. Năm 1927, con cháu họ Đặng cùng với dân làng Tiên Lữ đã dùng phiến đá dựng “Đặng tướng công bi” đặt trong chùa Trăm Gian. Hiện nay, tại Chùa Trăm Gian vẫn thờ tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông.Ngoài ra, ông được thờ tại Phủ thờ họ Đặng ở làng Lương Xá, nơi đây đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Hiện nay, những văn bia của các đền chùa, gia phả của dòng họ cùng một số tư liệu chữ viết, di tích, hiện vật về Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông vẫn được con cháu và nhân dân giữ gìn dù trải qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử. Tên tuổi và những công lao to lớn của một vị tướng tiên phong của quân đội Tây Sơn sẽ được nhân dân Chương Mỹ nói riêng và cả nước nói chung mãi mãi ghi nhớ và lưu truyền.

Nguyễn Huế

(Trung tâm Văn hóa – TT&TT Chương Mỹ)

Trung bình (0 Bình chọn)