TIN TỨC - SỰ KIỆN TIN TỨC - SỰ KIỆN

Chương Mỹ tọa đàm góp ý vào 02 cuốn sách "Lịch sử Đảng bộ huyện Chương Mỹ, giai đoạn 1930 – 2025” và “Bác Hồ với Chương Mỹ”
Publish date 29/04/2025 | 17:49  | Lượt xem: 47

Sáng 29/4, Ban thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ tổ chức Hội nghị tọa đàm tham gia đóng góp vào 02 cuốn sách "Lịch sử Đảng bộ huyện Chương Mỹ, giai đoạn 1930 – 2025” và “Bác Hồ với Chương Mỹ”. Đồng chí Trịnh Tiến Tường – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Anh Đức - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tọa đàm có đồng chí Trịnh Duy Hùng – Nguyên Thành ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Nguyên Bí thư Huyện ủy, Nguyên Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Xuân Hậu - Trưởng phòng Lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy; các đồng chí nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND – UBND huyện qua các thời kỳ, các đồng chí nguyên là Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy.

Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo, Ban Sưu tầm và biên soạn 02 cuốn sách "Lịch sử Đảng bộ huyện Chương Mỹ, giai đoạn 1930 – 2025” và “Bác Hồ với Chương Mỹ” của huyện Chương Mỹ và đại diện các đơn vị tham gia sưu tầm, biên soạn.

Toàn cảnh Hội nghị.

Đồng chí Trịnh Tiến Tường – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc và chủ trì Hội nghị, đồng chí Trịnh Tiến Tường – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND cho biết, để kịp thời cập nhật, lưu trữ và lan tỏa lịch sử cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chương Mỹ và để ghi lại, tuyên truyền những lần Bác Hồ về thăm, làm việc, dành tình cảm cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn, Huyện ủy Chương Mỹ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn biên soạn hai cuốn sách gồm: cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Chương Mỹ, giai đoạn 1930-2025” và Cuốn “Bác Hồ với Chương Mỹ”.

Trong đó, cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Chương Mỹ, giai đoạn 1930-2025” dự kiến gồm 19 chương, dày hơn 800 trang, nhằm tổng kết công tác lãnh đạo, chỉ đạo và rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ huyện qua các thời kỳ; quá trình Đảng bộ huyện lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ huyện đối với phong trào cách mạng, những kết quả xây dựng và phát triển của quê hương từ khi chi bộ cộng sản đầu tiên ở huyện Chương Mỹ được thành lập cho đến nay.

Cuốn sách “Bác Hồ với Chương Mỹ” được huyện Chương Mỹ chỉ đạo biên soạn lần đầu với 3 chương, dày 268 trang. Chương I: Bác Hồ với huyện Chương Mỹ, ghi lại những lần Bác Hồ về ở và làm việc tại huyện Chương Mỹ. Chương II: Đảng bộ và nhân dân huyện Chương Mỹ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chương III: Ngàn hoa dâng Bác. Cuốn sách nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện những hoạt động của Bác Hồ trên quê hương Chương Mỹ; giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được bối cảnh lịch sử những lần Bác Hồ về thăm và làm việc trên địa bàn huyện; những tình cảm tốt đẹp của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đối với Bác Hồ. Biểu dương những tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu của huyện trong việc học tập, làm theo lời Bác dạy qua các giai đoạn cách mạng, cổ vũ, động viên việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của đảng viên, cán bộ và nhân dân huyện Chương Mỹ trong kỷ nguyên mới.

Đồng chí mong rằng sẽ được lắng nghe các ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ để hai cuốn sách khi được phát hành phải vừa đảm bảo chất lượng, khách quan, chính xác, vừa đảm bảo tính Đảng, tính khoa học.

Các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện Chương Mỹ qua các thời kỳ đóng góp ý kiến.

Tại Hội nghị đã có 12 lượt ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Nguyên Chủ tịch – Phó Chủ tịch HĐND – UBND huyện, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy qua các thời kỳ về hai cuốn sách. Các đồng chí  đều rất vui mừng phấn khởi vì trong thời điểm lịch sử này Huyện Chương Mỹ đã thực hiện được một việc vô cùng ý nghĩa đó là Biên soạn bổ sung, tái bản, xuất bản sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Chương Mỹ (1930 - 2025)” và Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, xuất bản, phát hành sách “Bác Hồ với Chương Mỹ”.

Các đồng chí cũng đánh giá cao Ban Biên soạn đã dày công sưu tầm tài liệu, biên soạn hai cuốn sách; bày tỏ xúc động, vui mừng khi lần đầu tiên được tiếp cận tư liệu đầy đủ nhất về những dịp Bác Hồ về ở và làm việc tại huyện Chương Mỹ. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra, đề nghị Ban Biên soạn sửa lại một số câu chữ, bổ sung, cập nhật tư liệu liên quan lịch sử hình thành vùng đất và con người Chương Mỹ… Ban Biên soạn nên cân nhắc để cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Chương Mỹ (1930 - 2025)” được cô đọng, súc tích hơn; nghiên cứu bổ sung những tấm gương tiêu biểu, người con huyện Chương Mỹ trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương đất nước vào Chương III – Ngàn hoa dâng Bác, trong cuốn “Bác Hồ với Chương Mỹ”.

Buổi tọa đàm cũng đã được nghe ý kiến của đồng chí Nguyễn Xuân Hậu - Trưởng phòng Lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy.

Các đồng chí Nguyên lãnh đạo huyện Chương Mỹ qua các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm cùng Thường trực, Ban thường vụ Huyện ủy và các đại biểu

Kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Trịnh Tiến Tường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Đồng chí cũng thống nhất quan điểm nội dung cuốn "Lịch sử Đảng bộ huyện Chương Mỹ, giai đoạn 1930 – 2025” phải xuyên suốt, tạo thành một “dòng chảy” từ khi thành lập Đảng đến nay, cuốn lịch sử phải ngắn gọn, súc tích hơn. Đồng chí yêu cầu cần rà soát lại các sự kiện, số liệu, địa danh cụ thể. Đối với cuốn “Bác Hồ với Chương Mỹ”, đồng chí Phó Bí thư thường trực Huyện ủy khẳng định đây là cuốn sách rất ý nghĩa, gắn liền những hình ảnh của bác với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chương Mỹ, là dấu son trong lịch sử Đảng bộ huyện. Ban sưu tầm, biên soạn cần nghiên cứu, đưa thêm các con số cụ thể và chi tiết hơn. Đồng chí giao Ban sưu tầm, biên soạn hai cuốn sách tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, chỉnh sửa, bổ sung trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử…

Hoàng Tình - Đặng Sáng