GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT
Cùng niềm tự hào, xúc động của cả nước hướng tới đại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi trở về quê hương Trần Phú, huyện Chương Mỹ gặp ông Trần Ngọc Thông - người chiến sỹ trực tiếp tham gia trận chiến đấu lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Ở tuổi gần 90, nhưng những ký ức về chiến công oanh liệt của quân và dân ta ngày ấy vẫn in đậm trong tâm trí ông.
Ông Thông sinh năm 1935, trong một gia đình có mức sống khá ở Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Năm 1954, cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn gay go ác liệt nhất, chàng thanh niên trẻ ấy đã xung phong lên đường nhập ngũ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại đơn vị F316 E204. Sau 1 tháng huấn luyện cơ bản, ông Thông cùng đồng đội hành quân cấp tốc lên Điện Biên Phủ. Là lính mới, ông đã được giao làm nhiều nhiệm vụ để phục vụ trận chiến lúc bấy giờ: khuân vác lương thực, đào hầm giao thông, cấp dưỡng...
Ông Thông nhớ lại: “Công việc đào hầm vô cùng vất vả. Để kịp tiến độ, chúng tôi phải đào ngày, đào đêm không dừng nghỉ. Mỗi chúng tôi đều thấy rõ nếu không có đường hầm, quân ta không thể đánh sập cứ điểm của địch. Vì thế, dẫu khó khăn, cực nhọc, dù quần áo lấm lem bùn đất, nhưng cả đơn vị đều làm việc hăng say, quên mình...”
Ông Trần Ngọc Thông trò chuyện cùng cán bộ lao động thương binh xã Trần Phú.
Trong lời kể sôi nổi của ông, các hình ảnh liên tiếp ùa về: khoảng 20 giờ 30 phút, ngày 6/5/1954 khi chiến dịch vừa mở màn, pháo cối của ta bắn dữ dội vào các cứ điểm toàn mặt trận, quân ta ào ào tấn công như vũ bão vào Đồi C2. Quân địch ngoan cố, dai dẳng bám giữ. Trung đội bộc phá được phân công đi đầu phá hủy nhiều tầng lớp dây thép gai dày đặc, bọn địch trong lô cốt bắn ra ác liệt làm một số đồng chí thương vong, nhưng không vì thế, quân ta chùn bước. Lệnh Đại đội trưởng mở đợt phản kích, cả Ban Chỉ huy đại đội cùng các chiến sĩ trung liên, tiểu liên, súng trường lưỡi lê, lựu đạn dũng cảm xông lên quần nhau ác liệt với địch, thọc sâu xông vào các ngả hầm, lô cốt đánh giáp lá cà. Cả phía quân ta và phía địch đều thương vong nặng, nhưng lúc đó các chiến sĩ của ta vẫn dũng cảm lao về phía trước với quyết tâm “chỉ tiến chứ không lùi!”. Những chớp lửa lớn như sấm sét, kèm theo tiếng nổ long trời lở đất, bộ đội ta xông lên đập tan hoàn toàn sức kháng cự của địch, làm chủ đồi A1. Chiến thắng ở cứ điểm đồi A1, sau đó là C2 đã tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Chỉ huy chiến dịch tổ chức trận tổng công kích vào Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm và các mục tiêu còn lại ở khu trung tâm.
15 giờ ngày 7/5/1954, ta mở trận tổng công kích trên toàn mặt trận. 17 giờ 30 phút cùng ngày, Ðờ Cát-xtơ ri và toàn bộ Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ bị bắt sống. Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng. Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục và anh dũng, đơn vị F316 E204 đã góp phần xứng đáng cùng các lực lượng trên toàn mặt trận đập tan tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ.
Khi được hỏi về cảm xúc trong quá trình tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Trần Ngọc Thông chia sẻ: “Tôi là chiến sĩ mới, chỉ được tham gia một trận đánh trong đợt cuối cùng của Chiến dịch. Song, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì đã được góp một phần công sức nhỏ bé trong thắng lợi vĩ đại của dân tộc”.
Nay đã ở tuổi 90, bất kỳ khoảnh khắc nào nhớ về đồng đội và cuộc chiến đấu khốc liệt năm xưa, cũng làm ông không khỏi xúc động: "Tôi là người may mắn trở về, nhưng đồng đội tôi - lớp lớp người đã ngã xuống, máu đã thắm đỏ cho vùng đất Điện Biên Phủ hôm nay được thay da đổi thịt và phát triển, cho mỗi người dân chúng ta thêm tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc”.
Đồng chí Trần Văn Khải - Bí thư Đảng ủy xã Trần Phú cho biết thêm: Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp có “Kỳ Hưng anh hùng”, năm 1948, Quân khu III tặng thưởng cho Trần Phú 1 thanh kiếm Nhật và 50 quả lựu đạn. Huyện Mỹ Đức tặng cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu toàn huyện và 1 đỉnh đồng (trước tháng 11- 1953, xã Trần Phú thuộc huyện Mỹ Đức). Tại Hội nghị tổng kết chiến tranh du kích toàn Liên khu III, xã được vinh dự nhận danh hiệu “Trần Phú anh dũng” và nhận cờ thi đua, được thưởng 1 Huân chương kháng chiến hạng Nhì. 19 gia đình là cơ sở cách mạng được Chính phủ tặng Bằng khen. Xã có 49 đồng chí đi bộ đội, thành lập 10 trung đội du kích, trong đó có 1 trung đội tập trung, 18 trung đội dân quân... Nhân dân xã đã đào 1.600m giao thông hào, 150 hầm bí mật, 250 hầm tránh phi pháo, hàng trăm hầm cất giấu tài sản. Trong chín năm kháng chiến, quân và dân xã Trần Phú đã phối hợp cùng dân quân, du kích các xã bạn và lực lượng bộ đội trên địa bàn huyện đánh 173 trận đánh lớn, nhỏ, trong đó riêng quân và dân xã Trần Phú đánh 100 trận, tiêu diệt 279 tên địch, trong đó có 2 quan hai Pháp, làm bị thương 65 tên, bắt sống 25 tên, gọi hàng 12 tên, vận động 45 lính địch bỏ ngũ, phá trên 10.000m dây điện thoại của địch, ủng hộ kháng chiến 20 tấn thóc, trên 8 tấn gạo, trên 400.000 đồng công trái...
Hiện nay, trên địa bàn xã vinh dự có ông Trần Ngọc Thông là một trong chiến sỹ trực tiếp tham gia trận chiến Điện Biên phủ năm 1954. Năm 1980, ông Thông xuất ngũ sinh sống cùng vợ và 4 người con ở Thôn Miếu Môn. Ông Thông đang hưởng chế độ thương binh ¼ với tỷ lệ tổn thương cơ thể 25%. Khi về sinh sống ở xã Trần Phú, ông và gia đình luôn chấp tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương. Ông tích cực tham gia vào các hoạt động ở địa phương: làm Bí thư chi bộ thôn Miếu Môn 2 khóa, tham gia Hội cựu chiến binh xã Trần Phú, làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh 2 khóa. Trong quá trình công tác trong quân đội, trải qua nhiều đơn vị công tác, ông được tặng thưởng nhiều huân huy chương các loại tiêu biểu: Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2022, ông Thông vinh dự được trao tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Ông Trần Ngọc Thông - thăm lại Điện Biên Phủ.
Ông Trần Ngọc Thông là một nhân chứng lịch sử sống động của chiến dịch Điện Biên Phủ, của Quân đội nhân dân Việt Nam. 90 năm tuổi, những chuyện cuộc đời có lúc nhớ, lúc quên, nhưng những ký ức về Điện Biên Phủ, dù đã qua 70 năm, vẫn còn vẹn nguyên như vừa mới hôm qua. Mỗi khi có dịp nhắc nhớ, ánh mắt của ông Thông luôn lấp lánh niềm vui, niềm tự hào, niềm tin sắt son của người lính “Bộ đội cụ Hồ”.
Ông Thông cập nhật thông tin mỗi ngày.
Giờ đây, ông Thông sống vui, sống khỏe bên 4 người con trai, 11 người cháu ở thôn Miếu Môn, xã Trần Phú. Trong mỗi câu chuyện hằng ngày, ông luôn kể cho con, cho cháu nghe chiến công oanh liệt của ông và những người đồng đội.Và chúng tôi, những người sinh ra trong thời bình,khi được nghe câu chuyện lịch sử từ chính người chiến sĩ Điện Biên năm ấy cũng không khỏi xúc động, tự hào, thấy thêm trân quý hơn những gì mình đang có.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Có lẽ không chỉ với ông Thông mà với lớp lớp thế hệ người lính và nhân dân cả nước dư âm của chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại vẫn còn vang vọng đến mãi mãi về sau. Mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau sẽ luôn ngẩng cao đầu với một tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, trước sự nghiêng mình thán phục của quân thù cũng như bạn bè thế giới...”.
Thu Hiền
DANH MỤC TIN TỨC
- Tin tức - Sự kiện nổi bật
- Tin hoạt động Thành phố, trong nước
- Tin hoạt động Đảng - Đoàn thể
- Tin hoạt động HĐND
- Tin Kinh tế
- Tin Văn hóa - Xã hội
- Tin An ninh - Quốc phòng
- Tin cải cách hành chính, chuyển đổi số
- Sắp xếp đơn vị hành chính
- Thông tin Giải phóng mặt bằng
- Tin hoạt động người tốt, việc tốt
- Tin hoạt động các Xã, Thị trấn