TIN KINH TẾ TIN KINH TẾ

Xã Phú nghĩa: Tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách gắn liền với nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng vốn ưu đãi
Publish date 23/12/2024 | 16:11  | Lượt xem: 66

Với doanh số cho vay năm 2024 đạt gần 12 tỷ đồng, xã Phú Nghĩa trở thành đơn vị thứ 7 có dư nợ trên 30 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Bên cạnh việc hoàn thành kế hoạch tăng trưởng dư nợ, Phú Nghĩa tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách ưu đãi.

Xã Phú Nghĩa nằm ở phía tây huyện Chương Mỹ, cách trung tâm huyện lỵ 5 km và cách thủ đô Hà Nội 27 km, dân số 12.882 người với 3.112 hộ dân. Người dân xã Phú Nghĩa chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp và nghề truyền thống lâu đời trên 400 năm đó là mây giang đan.

Một số hình ảnh các hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn ưu đãi tín dụng chính sách.

Năm 2024, xã Phú Nghĩa là một trong những xã có bước chuyển biến mạnh mẽ về tổng dư nợ và chất lượng tín dụng chính sách. Tổng dư nợ 7 chương trình đến nay là 30,4 tỷ đồng, tăng 5,6 tỷ đồng so đầu năm với 682 người vay đang còn dư nợ, nợ quá hạn hiện tại của xã là 0 đồng, lãi tồn 153,4 triệu đồng, giảm 13,8 triệu đồng so đầu năm. Doanh số cho vay năm 2024 đạt 11,7 tỷ đồng với 241 lượt khách hàng được vay vốn, Phú Nghĩa là một trong 7 xã có dư nợ đạt trên 30 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Duy Thắng, thôn Đồng Trữ là một trọng những lao động được vay vốn với số tiền vay tối đa của chương trình cho vay giải quyết việc làm đối với cá nhân người lao động là 100 triệu đồng. Nguồn vốn vay đã hỗ trợ anh Thắng sửa chữa nâng cấp cửa hàng gia công cơ khí và mua sắm một số máy móc và nguyên vật liệu. Nguồn vốn đến đúng lúc đã hỗ trợ gia đình anh Thắng duy trì và nâng cấp mô hình sản xuất kinh doanh của gia đình. Anh Thắng cho biết: “Thủ tục vay vốn của ngân hàng rất đơn giản, lãi suất ưu đãi, ổn định nên gia đình tôi rất phấn khởi, yên tâm làm ăn. Tôi mong muốn được vay thêm vốn chương trình nước sạch để cải tạo lại công trình vệ sinh và nước sạch của gia đình với số tiền triệu đồng”

Đặc biệt trên địa bàn Phú Nghĩa, Ngân hàng Chính sách xã hội còn tập trung cho vay phát triển làng nghề mây tre đan, hiện đã có hàng trăm gia đình được tiếp cận nguồn vốn. Điển hình như Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh, người thứ hai trong làng Phú Vinh nổi tiếng về làm tranh Bác Hồ bằng mây tre giang, người duy trì nghề truyền thống của làng. Xưởng mây tre đan của ông Tĩnh là một trong những xưởng lâu năm nhất trong làng với 6 - 7 thế hệ nối nhau làm nghề. Nghệ nhân Tĩnh cho biết: Gia đình ông không chạy theo xu hướng phát triển sản phẩm hàng loạt, sử dụng các trang thiết bị máy móc hiện đại mà vẫn giữ nguyên cách làm thủ công, “gia truyền” để cho ra những sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao với sự cẩn thận, tỉ mỉ chau chuốt từng đường đan, nối móc với nét đặc trưng riêng. Yêu nghề là thế, nhưng sau đại dịch Covid-19, nhiều đơn hàng không thể xuất khẩu được, xưởng của ông “lao đao”, rất may Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã cho 2 lao động trong gia đình ông vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 200 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ kịp thời mà xưởng mây tre của ông đã ổn định, sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Là một xã có nợ quá hạn và lãi tồn cao nhất toàn huyện trong nhiều năm, bản thân các Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn, Hội đoàn thể tham gia quản lý giám sát vốn tín dụng chính sách ưu đãi gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian vừa qua, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, những khó khăn vướng mắc của xã dần được tháo gỡ, nợ quá hạn không phát sinh, lãi tồn đọng giảm đáng kể, người dân trên địa bàn xã ý thức rõ trách nhiệm về việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ gốc và lãi đầy đủ, ...

Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội phụ nữ xã tâm sự: Thời gian đầu tiếp nhận chức vụ Chủ tịch Hội phụ nữ xã, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách, đặc biệt là khi đi đôn đốc thu hồi nợ quá hạn và lãi tồn chương trình học sinh sinh viên. Bản thân tôi cùng với Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn và cán bộ ngân hàng thường xuyên phải đi đôn đốc nợ vào buổi tối, nhiều hộ dân lúc đó còn chưa hiểu nên còn chây ỳ, cố tình không trả nợ hoặc cam kết trả nhưng không thực hiện trả nợ. Bằng tinh thần quyết tâm và lòng nhiệt tình, Ban thường vụ của chúng tôi đã không quản ngày đêm tuyên truyền thuyết phục người dân thực hiện trả nợ, đến nay chất lượng tín dụng của hội phụ nữ xã cũng đã đi vào ổn định và tốt hơn rất nhiều…”

Cũng cùng với những khó khăn tương tự như Hội phụ nữ xã, ông Nguyễn Kim Phụng mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Nông dân xã từ đầu năm 2024 cho biết: Ngay khi nhận nhiệm vụ, tôi cùng với các đồng chí trong Ban thường vụ đã phân tích rà soát lại các món nợ tiềm ẩn rủi ro, lãi tồn, phối hợp cùng ngân hàng huyện tích cực tìm các giải pháp tháo gỡ. Trong số các món vay tiềm ẩn rủi ro cũng có những hộ do không hiểu rõ, nên còn chưa chấp hành việc trả gốc khi đến hạn và trả lãi hàng tháng. Sau khi tuyên truyền vận động nhiều hộ gia đình đã chấp hành trả nợ theo quy định. Một số hộ chấp hành tốt đã được Tổ Tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay mức vốn cao để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ông Quách Thiên Dũng, Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: “xã Phú Nghĩa có được mức tăng trưởng và chất lượng tín dụng như hôm nay phải kể đến sự vào cuộc, sát sao của Hội đoàn thể xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, Trưởng thôn và chính quyền địa phương đã đồng hành cùng Ngân hàng chúng tôi không quản ngày đêm đi đôn đốc thu hồi nợ. Để hoạt động vốn tín dụng chính sách ổn định, mang tính bền vững, trong thời gian tới đề nghị Đảng ủy, UBND xã Phú Nghĩa sẽ tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền đến người dân, chỉ đạo các Hội đoàn thể, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt công tác bình xét, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra giám sát, …”

Với mức dư nợ cao trên 30 tỷ đồng, nhiều hộ dân trên địa bà xã Phú Nghĩa đã giúp cho hàng trăm hộ gia đình có cơ hội chuyển đổi, nâng cấp hoặc mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh; cải tạo công trình nước sạch, công trình vệ sinh nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã.

Hồng Đào – Hạnh Nguyên

 

 

Average (0 Votes)