TIN KINH TẾ TIN KINH TẾ

Nhiều hộ dân Đại Yên vượt khó nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
Publish date 14/03/2023 | 19:52  | Lượt xem: 348

Trong nhiều năm qua, từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đại Yên đã có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở địa phương; xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội xã nhà.

Đại Yên là xã có vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi, thuận tiện cho sản xuất phát triển kinh tế; sản xuất nông nghiệp đa dạng về cây trồng vật nuôi mang tính hàng hóa giá trị kinh tế cao. Từ khi có Nghị định số 78/NĐ-CP về tín dụng chính sách giai đoạn 2002 - 2022, Chỉ thị số 40- CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Đảng ủy xã thường xuyên quan tâm chỉ đạo sát sao bằng việc ban hành các nghị quyết lãnh đạo đối với công tác vay vốn của Hội, đoàn thể. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, hàng năm, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thông qua ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội của huyện, của xã Đại Yên đã thực hiện tốt công tác bình xét cho vay, đảm bảo cho vay nhanh chóng, kịp thời và đúng đối tượng. 

Từ 02 chương trình tín dụng năm 2003, đến nay trên địa bàn xã đang triển khai thực hiện 08 chương trình tín dụng chính sách, theo dõi và quản lý trên 460 khách hàng vay vốn. Tổng doanh số cho vay trong 20 năm đạt 55,5 tỷ đồng, với gần 2 ngàn lượt khách hàng được vay vốn, trong đó có gần 760 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn. Tổng doanh số thu nợ trong 20 năm đạt 37,4 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn xã đến nay đạt 19.139 tỷ đồng, tăng 18.100 tỷ đồng , gấp 14 lần so với năm 2003; trong 5 năm trở lại đây bình quân 11,2%, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 10,4%. Dư nợ bình quân đạt 43 triệu đồng/khách hàng, tăng 40,2 triệu đồng so với năm 2003 (2,8 triệu /khách hàng).

Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ mang vốn đến cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay đủ mà còn bắc nhịp cầu kinh tế thị trường để hộ dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất. Qua đó đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn và đảm bảo an sinh xã hội địa phương. Trong 20 năm qua, đã có 1850 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, trong đó có 260 lượt hộ nghèo được vay vốn từ chương trình hộ nghèo và giải quyết việc làm, góp phần giúp cho trên 250 lượt hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 600 lao động, giúp cho trên 120 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, xây dựng và cải tạo trên 1000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng 16 ngôi nhà cho hộ nghèo. Nguồn vốn cũng đã góp phần tích cực làm giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo của xã Đại Yên xuống còn 0,18%, nâng cao thu nhập bình quân đầu người toàn xã lên 67 triệu đồng/người/năm.

Nguồn vốn như mưa dầm thấm đất giúp người dân mở rộng sản xuất sau khi thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa; Phát triển nghề mới tạo việc làm cho nhiều lao động và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Điển hình, hộ bà Nguyễn Thị Mười ở thôn 1 xã Đại Yên, hội viên Hội phụ nữ xã bán hàng tạp hóa được hơn 10 năm là hơn 10 năm bà được vay vốn tín dụng chính sách theo các chương trình: Giải quyết việc làm và nước sạch vệ sinh môi trường. Nhờ nguồn vốn ưu đãi này, bà từng bước mua thêm hàng hóa với đa dạng các nhãn hiệu, từ hàng sản xuất trong nước đến nhiều loại hàng nhập khẩu như: Xoài Thái, mây Ấn Độ, bánh bơ Pháp.....Không chỉ bày bán tại cửa hàng, bà Mười cùng con gái còn nhanh nhẹn ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng online trên facebook, zalo. Nhờ tiếp cận được nguồn khách hàng lớn, lại bán với giá cả hợp lý nên bà Mười được đông đảo khách hàng ủng hộ, mua hàng thường xuyên. Từ đó đời sống gia đình bà ngày một nâng cao, không còn khó khăn như lúc đầu.

Bà Nguyễn Thị Mười vay vốn tín dụng chính sách để bán hàng tạp hóa.

Bà Đặng Thị Lý ở thôn 3 xã Đại Yên phát triển mô hình kinh tế VAC.  Dưới ao nuôi cá ba ba. Trên bờ trồng nhãn, vải, nuôi lợn, chăn gà. Từ sau khi dồn điền đổi thửa năm 2012, gia đình bà vay vốn tín dụng chính sách 20 triệu đồng. Quá trình sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả cao, bà trả lãi, trả gốc đúng kỳ hạn. Từ đó cứ hết kỳ này sang kỳ khác bà đều được chính quyền địa phương cùng Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay vốn. Hiện nay, gia đình bà được vay vốn tín dụng chính sách qua 2 chương trình giải quyết việc làm và nước sạch vệ sinh môi trường tổng số tiền 70 triệu đồng. Bà chia sẻ: Nguồn vốn đã hỗ trợ rất nhiều trong quá trình gia đình bà làm kinh tế, giúp mua thêm tư liệu sản xuất mở rộng mô hình, đem lại tổng thu nhập đạt khoảng 200 – 300 triệu đồng/năm.

Bà Đặng Thị Lý với mô hình phát triển VAC.

Không phát triển sản xuất nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Bích ở thôn 4, xóm Nội An chọn nghề tiểu thủ công nghiệp để nâng cao đời sống. Năm 2002, sau khi sinh người con thứ 2, bà ở nhà nhàn dỗi nên mạnh dạn làm hàng mây nhựa để vừa có thu nhập lại có thời gian chăm con, không phải đi làm công ty nữa và sẽ tạo việc làm cho cùng nhiều lao động địa phương ở các lứa tuổi khác nhau. Nhận thấy hướng phát triển tốt đẹp từ ngành nghề này, bà đã liều thuê cửa hàng Đê La Thành để trưng bày và bán sản phẩm. Để làm được điều đó, ngoài việc vay mượn thêm tiền của người thân, bạn bè, bà đã tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng chính sách ưu đãi để có thêm thời gian quay vòng vốn và giảm tiền lãi suất. Cứ như vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ bà làm hàng mây nhựa từ ngày đầu khởi nghiệp cho đến nay. Mơ ước của bà đã thành hiện thực, các sản phẩm bàn, ghế mây nhựa của bà đã được nhiều gia đình, khu nghỉ dưỡng đặt hàng. Bà thường nhận hàng đặt trực tiếp qua facebook. Chính vì vậy, hàng làm ra xuất đi luôn, không bao giờ bị tồn đọng. Xưởng sản xuất lúc nào cũng đều việc, có 8 công nhân làm thường xuyên với mức lương từ 8-9 triệu đồng/tháng và đem lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm cho gia đình bà.

Cũng như bà Nguyễn Thị Bích, vợ chồng bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, thôn 1 xã Đại Yên tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách theo chương trình giải quyết việc làm để làm hàng mây nhựa từ năm 2007 cho đến nay. Nguồn vốn đã hỗ trợ gia đình bà từ lúc kinh tế còn eo hẹp đến cả quá trình mở rộng sản xuất. Nhờ năng động, nhanh nhẹn trong tiếp cận thị trường, các sản phẩm bàn, ghế mây nhựa của gia đình bà tiêu thụ ở nhiều đại lý khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam của đất nước. Đồng thời còn xuất khẩu đi các nước Trung Quốc và Lào, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương cùng nhiều lao động vệ tinh trong và ngoài  huyện với mức thu nhập tùy từng tay nghề, bình quân đạt 6 – 7 triệu đồng/tháng. Với mô hình này, gia đình bà cũng đạt tổng thu nhập tiền tỷ hàng năm.

Nguyễn Thị Bích Nguyễn Thị Ánh Tuyết với mô hình làm hàng mây nhựa.

Những mô hình kinh tế trên như một lời khẳng định rằng: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn của xã Đại Yên cũng như của huyện Chương Mỹ./.

 

Lan Oanh

Average (0 Votes)