TIN KINH TẾ
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn Thành phố.
Chỉ thị nêu rõ, thực hiện Luật Quản lý thuế năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9 2021 của Bộ Tài chính hưởng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/ND-CP, UBND Thành phố đã có các văn bản: Quyết định số 4392/QD-UBND ngày 07/10/2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai hóa đơn điện tử trên địa bản Thành phố; Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 20/10/2021 về việc triển khai hóa đơn điện tử trên địa bản Thành phố.
Công văn số 3125/UBND-KTTH ngày 23/9/2022 về việc triển khai Chương trình "Hóa đơn may mắn" bao gồm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền; Quyết định số 3615/QĐ-UBND ngày 03/10/2022 về việc thành lập Hội đồng giám sát Chương trình "Hóa đơn may mắn", nhằm khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ.
Để tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng có thời gian hoạt động thường xuyên, liên tục như hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn; dịch vụ vui chơi, giải trí, kinh doanh vàng, bạc... có thể xuất hóa đơn ngay cho khách hàng kể cả ngoài giờ hay đêm khuya, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng cần hóa đơn để bảo đảm các quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã ban hành Quy trình quản lý hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đồng thời xây dựng giải pháp và chính thức vận hành Hệ thống hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 15/12/2022.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Cục Thuế thành phố Hà Nội chủ trì, tổ chức triển khai sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Bộ Tài chính đến từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bản Thành phố; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đề xuất, tham mưu UBND Thành phố các giải pháp triển khai hiệu quả;
Xây dựng Kế hoạch triển khai, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định cũng như các lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền (gắn với chương trình "Hóa đơn may mắn") tới các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả để người nộp thuế hiểu, đồng thuận và thực hiện tốt.
Tập trung rà soát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thuộc các trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định để triển khai, đảm bảo đúng lộ trình của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã đề ra; hướng dẫn, đôn đốc các trường hợp thuộc diện triển khai nhưng chưa sử dụng máy tính tiền, phần mềm quản lý bán hàng để kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền, phổ biến các quy định cũng như các lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền đến các hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn để các hộ, cá nhân kinh doanh hiểu và tạo sự đồng thuận trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Hà Nội, mở rộng hình thức nộp thuế điện tử tại các ngân hàng thương mại theo hướng thuận tiện, phù hợp với từng đối tượng sử dụng, đặc biệt đối với hộ, cá nhân kinh doanh; phối hợp Cục Thuế thành phố Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn ngân hàng thương mại cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn Thành phố.
Sở Công Thương, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với cơ quan thuế tăng cường trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý thuế, đề xuất các giải pháp nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước, trong đó tập trung vào khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, trọng tâm là các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng ít lấy hóa đơn (ăn uống, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh vàng, bạc...).
Các sở, ngành Thành phố theo chức năng nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế thành phố tăng cường công tác quản lý thuế và việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố thuộc diện áp dụng theo quy định.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với cơ quan thuế trong công tác tuyên truyền (điều kiện, phương thức và lợi ích của việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền,...); Chỉ đạo các Phòng, Ban, đơn vị chuyên môn, UBND các phường, xã, thị trấn trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế nói chung và trong việc triển khai việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn nói riêng.
UBND huyện Chương Mỹ vừa ban hành Kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Thông qua việc triển khai Kế hoạch nhằm: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư phục vụ phát triển toàn diện kinh tế xã hội. Mục tiêu là hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023. Phấn đấu hoàn thành giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo quy định của Luật Đầu tư công. Đồng thời đảm bảo mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn theo đúng quy định của pháp luật. Phấn đấu đến hết niên độ ngân sách năm 2023 đạt tỷ lệ giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch được giao.
UBND huyện đưa ra các giải pháp trọng tâm khắc phục, tồn tại hạn chế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình trọng điểm và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 đó là: Đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách huyện, xã để có nguồn tăng thu ngân sách hàng năm bổ sung cho kế hoạch đầu tư công. Đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở, thực hiện các dự án đất dịch vụ, chuyển đổi công năng sử dụng đất dịch vụ, đất tái định cư dôi dư để đấu giá quyền sử dụng đất ở. Tăng cường rà soát, thực hiện quản lý đất đai theo đúng Luật Đất đai năm 2013 để xử lý các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đồng thời xây dựng phương án xử lý để tạo nguồn thu tiền sử dụng đất. Quản lý chặt chẽ đất công ích sau dồn điền đổi thửa để tăng nguồn thu từ đất công, đất công ích. Đẩy mạnh xã hội hóa về đầu tư nhất là huy động sức dân đóng góp cho các công trình giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi xã hội, công trình tôn giáo, tâm linh tại địa phương để giảm áp lực về nguồn vốn đầu tư công của huyện. Điều hành tốt ngân sách nhà nước, thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước và Thành phố về quản lý đầu tư công. Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện dự án, tránh để phát sinh khối lượng, nợ xây dựng cơ bản và kéo dài thời gian thực hiện dự án làm tăng giá cả vật liệu, nhân công để tiết kiệm chi phí dự phòng của dự án. Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong quản lý và thực hiện đầu tư công.Tăng cường tập huấn nâng cao chất lượng của cán bộ, công chức phụ trách công tác đầu tư xây dựng.
LĐLĐ huyện ban hành Kế hoạch 05/KH-LĐLĐ về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023 trong các cấp Công đoàn huyện Chương Mỹ.
Theo đó, LĐLĐ huyện đề nghị các cấp Công đoàn huyện căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể, chủ động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; tập trung đẩy mạnh việc triển khai tổ chức thực hiện Cuộc vận động có hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền các nội dung của Cuộc vận động, trong đó chú ý tuyên truyền giới thiệu các mô hình, điển hình tốt; tuyên truyền, tôn vinh, cổ vũ các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp có nhiều thành tích trong việc thực hiện Cuộc vận động; tuyên truyền giới thiệu sản phẩm được bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2022 và những năm trước đây.
Khuyến khích, vận động đoàn viên, CNVCLĐ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong hệ thống Công đoàn ưu tiên sử dụng nguyên, vật liệu và dịch vụ các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ Việt Nam phù hợp với cam kết quốc tế và luật pháp Việt Nam.
Chủ động, sáng tạo, đổi mới các phương thức, hình thức tuyên truyền Cuộc vận động phù hợp với tình hình thực tiễn (thông qua việc tổ chức Hội chợ hàng Việt, sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép các chương trình văn hóa văn nghệ, Bản tin nội bộ, tuyên truyền trên báo chí, tuyên truyền trực quan,…).
Các cấp Công đoàn trong huyện phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tổ chức có hiệu quả các “Phiên chợ công nhân, phiên chợ nghĩa tình”, “Gian hàng giảm giá”, “Hội chợ hàng Việt”, “Chợ lưu động”, “Siêu thị Công đoàn”, “Chợ Tết Công đoàn”, các chuyến xe hàng Việt… với hàng hóa là thương hiệu Việt, các sản phẩm OCOP tới các khu đông công nhân lao động sinh sống, ưu tiên tổ chức tại các khu nhà trọ, nhà ở công nhân…
Phổ biến cho đoàn viên, CNVCLĐ trong huyện cách nhận biết chất lượng sản phẩm và tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày quyền của người tiêu dùng Thế giới” (15/3); “Tháng khuyến mại Hà Nội”; vận động chủ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2023 … để hình thành thói quen tiêu dùng, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người dân trong ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Tiếp tục thực hiện Chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, chủ động đàm phán, ký kết các thỏa thuận mới với các đối tác, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để đoàn viên, người lao động có cơ hội tiếp cận, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chất lượng của các doanh nghiệp trong nước với giá ưu đãi.
Vận động đoàn viên, CNVCLĐ phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không có xuất xứ, nguồn gốc, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tham gia đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Cuộc vận động từ huyện đến cơ sở thực hiện triển khai các nội dung Cuộc vận động.
Kim Thoa – Vũ Liên
DANH MỤC TIN TỨC
- Tin tức - Sự kiện nổi bật
- Tin hoạt động Thành phố, trong nước
- Tin hoạt động Đảng - Đoàn thể
- Tin hoạt động HĐND
- Tin Kinh tế
- Tin Văn hóa - Xã hội
- Tin An ninh - Quốc phòng
- Tin cải cách hành chính, chuyển đổi số
- Sắp xếp đơn vị hành chính
- Thông tin Giải phóng mặt bằng
- Tin hoạt động người tốt, việc tốt
- Tin hoạt động các Xã, Thị trấn