TIN KINH TẾ
Ngày 11/9, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội Tạ Văn Tường cùng Đoàn công tác của Sở đã làm việc với huyện Chương Mỹ về công tác khắc phục hậu quả trong chăn nuôi, thủy sản sau cơn bão số 3.
Đoàn công tác của Sở làm việc với huyện.
Tính đến thời điểm 31/8/2024 (trước cơn bão số 3), huyện Chương Mỹ có 203.000 con lợn; đàn trâu, bò 13.800 con; đàn gia cầm 6.107.000 con và tổng diện tích nuôi trồng thủy sản còn 1.410/3.025ha (trước đó có 1.640ha bị thiệt hại do cơn bão số 2).
Cơn bão số 3 và mưa lũ trong những ngày qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn huyện. Đoàn công tác của Sở NN&PTNT và huyện Chương Mỹ đã kiểm tra thực tế tại các xã: Nam Phương Tiến, Hợp Đồng.
Tại địa bàn xã Nam Phương Tiến, đoàn đến trang trại của ông Nguyễn Văn Phú, thôn Hạnh Côn. Theo ông Phú, gia đình ông chăn nuôi hơn 1 vạn con gà. Cơn bão số 3 làm cho trang trại của gia đình bị ngập phải di chuyển 3.000 con gà lên nơi cao hơn và bán “chạy lũ” 3.000 con, hiện còn 4.000 con gà đẻ chưa di chuyển được.
Ông Phú di chuyển đàn gà lên cao để tránh lũ.
Cũng tại xã Nam Phương Tiến, đoàn đến nhà anh Nguyễn Văn Dương, chủ trang trại chăn nuôi 4.000 con vịt. Gia đình anh Dương mới di chuyển được 2.000 con vịt từ trang trại tại khu chăn nuôi tập trung đê Bùi 2 về nhà, còn 2.300 con đang tiếp tục phải di chuyển.
Đoàn đi thực tế tại khu chăn nuôi nhà ông Phú và anh Dương.
Chủ tịch UBND xã Hợp Đồng Nguyễn Duy Phố cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa, lũ, 90% diện tích lúa sắp thu hoạch trên địa bàn xã bị đổ, 100ha hoa màu bị ngập, nhưng diện tích thủy sản ko bị tràn. Xã đang tuyên truyền nhân dân ra đồng buộc lúa thành từng khóm để chống đổ; các diện tích trồng chuối và cây trồng khác bị ngập, hỏng, thì chủ động trồng cây thay thế và chăm bón.
Trên cơ sở kiểm tra thực tế, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội Tạ Văn Tường đánh giá cao công tác chủ động phòng, chống bão, mưa lũ trong sản xuất nông nghiệp của huyện Chương Mỹ. Ngoài ra, Sở cũng đã có văn bản gửi các huyện, thị xã, đề nghị tăng cường công tác xử lý sau bão, lũ, như: Tập trung vệ sinh tiêu độc, tiêm phòng dịch bệnh trong chăn nuôi; thống kê, rà soát chính xác tại các xã, vùng, khu vực bị ngập úng do mưa lũ, bao gồm: khu vực chăn nuôi, thu gom, xử lý chất thải... khu vực di dời đàn vật nuôi lên vị trí cao hơn và số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại.
Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã đề xuất ngay với Sở NN&PTNT cấp số lượng hóa chất cần sử dụng để khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và xử lý môi trường ngay sau khi mưa, lũ kết thúc nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Ngoài ra, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và yêu cầu người chăn nuôi động vật phải thực hiện việc đăng ký chăn nuôi theo quy định. Bởi, chỉ các hộ có khai báo, đăng ký chăn nuôi với chính quyền địa phương mới được hỗ trợ khi dịch bệnh, mưa lũ xảy ra./.
Lan Oanh
DANH MỤC TIN TỨC
- Tin tức - Sự kiện nổi bật
- Tin hoạt động Thành phố, trong nước
- Tin hoạt động Đảng - Đoàn thể
- Tin hoạt động HĐND
- Tin Kinh tế
- Tin Văn hóa - Xã hội
- Tin An ninh - Quốc phòng
- Tin cải cách hành chính, chuyển đổi số
- Sắp xếp đơn vị hành chính
- Thông tin Giải phóng mặt bằng
- Tin hoạt động người tốt, việc tốt
- Tin hoạt động các Xã, Thị trấn