TIN HOẠT ĐỘNG TRONG NƯỚC, THÀNH PHỐ TIN HOẠT ĐỘNG TRONG NƯỚC, THÀNH PHỐ

Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Publish date 13/01/2025 | 19:36  | Lượt xem: 4

Sáng 13/1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

 

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội tại Hà Nội, kết hợp trực tuyến tới 15.345 điểm cầu trong cả nước, với 978.532 đại biểu tham dự.

c-4.jpg

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Đình Hiệp.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Huyện ủy Chương Mỹ.

Dự hội nghị tại điểm cầu Huyện ủy Chương Mỹ có đồng chí  Nguyễn Văn Thắng - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Trịnh Tiến Tường – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện ; đồng chí Nguyễn Anh Đức - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ huyện Chương Mỹ khóa XXIV, thường trực HĐND, thành viên UBND huyện; lãnh đạo các ban Đảng, Văn phòng Huyện ủy; cấp trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện; Bí thư Đảng ủy, Bí thư chi bộ cơ sở có trụ sở trên địa bàn thị trấn Chúc Sơn.

Tại điểm cầu các xã, thị trấn có các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Bí thư các chi bộ cơ sở có trụ sở trên địa bàn; các đồng chí trong Đảng ủy, thường trực HĐND, UBND, Chủ tịch UB MTTQ, trưởng các tổ chức chính trị xã hội, công chức chuyên môn các xã thị trấn, Bí thưu các chi bộ trực thuộc Đảng ủy, trưởng các thôn trên địa bàn.

Trước khi bắt đầu hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan các gian hàng công nghệ được trưng bày tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu được xem phóng sự về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó nhấn mạnh, hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57 – NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đồng thời, yêu cầu việc quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được tiến hành bài bản, khoa học, lâu dài, thông suốt, hiệu quả, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và xã hội.

Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương công bố Quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo gồm 19 thành viên do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Chỉ đạo.

Tiếp đó, đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương trình bày báo cáo tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua; quán triệt triển khai tinh thần và nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Báo cáo nhấn mạnh, trong suốt sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm đến phát triển khoa học, công nghệ. Ngày 18-5-1963, tại Đại hội đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi…

Bộ Chính trị khẳng định, đất nước ta đang đứng trước yêu cầu cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, với 7 đột phá để phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị. Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh 3 nội dung chủ yếu gồm: Bối cảnh tình hình; công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; nhiêm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình hành động và tổ chức thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết số 57-NQ/TƯ là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Với tầm quan trọng đó, ngày 9-1-2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ bảo đảm chất lượng và thời gian theo quy định. “Đây là Chương trình hành động tổng thể, toàn diện, được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng và các giải pháp mang tính khả thi cao nhằm cụ thể hóa các định hướng, chủ trương lớn của Đảng thành những hành động thiết thực, sát thực tiễn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, bám sát nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, nhất là 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 năm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với 140 nhiệm vụ cụ thể.

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt về chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chủ trương của Đảng, Nhà nước và hệ thống văn bản pháp luật hiện nay về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được đề cập ở nhiều văn bản khác nhau.

Trong đó, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định nội dung quan trọng mang tính định hướng phát triển đất nước dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, quan điểm là: "Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững".

Đối với hệ thống pháp luật hiện nay về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hiện nay có 4 luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực khoa học, công nghệ. Cụ thể, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra có 12 luật, 42 nghị định, 131 thông tư khác có liên quan. Hệ thống pháp luật về chuyển đổi số, hiện có 8 luật liên quan trực tiếp và nhiều văn bản luật khác liên quan; 4 nghị quyết của Chính phủ và hơn 160 nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã thông qua 8 luật liên quan đến nội dung này. Đặc biệt, 29 luật và 41 nghị quyết Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 và 8 đã giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của thực tiễn, trong đó có những luật quy định về việc tạo lập cơ sở dữ liệu số; phương thức quản lý, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù liên quan đến ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các hoạt động nghiên cứu sản xuất sản phẩm, dịch vụ, các loại hình kinh doanh mới.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng nêu những mặt được, ưu điểm và những mặt hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn của hệ thống văn bản pháp luật hiện nay trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia vẫn còn có một số hạn chế cơ bản như: Thiếu đồng bộ, thống nhất, dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong những lĩnh vực này không phát huy được tác dụng.

Trong khi đó, cơ chế đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự phù hợp, chưa khuyến khích, thu hút đầu tư từ xã hội. Cùng với đó, cơ chế đầu tư, tài chính để triển khai hoạt động chuyển đổi số còn khó khăn, chưa được tháo gỡ kịp thời; việc phân bổ nguồn tài chính cho các nhiệm vụ, đề án, dự án có phạm vi quy mô quốc gia còn chậm và triển khai phức tạp, mất nhiều thời gian.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế thần kỳ của nhiều quốc gia trên thế giới.

to-lam.jpg

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đình Hiệp

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị nhận được sự đồng thuận của các nhà khoa học trong và ngoài nước, cho thấy khát vọng vươn lên của dân tộc. Đây là chìa khóa đưa đất nước ta tiến xa hơn trên con đường hiện thực hóa khát vọng và phát triển; góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vấn đề phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thừa nhận vẫn còn những rào cản về thể chế, cơ chế chính sách đối với lĩnh vực quan trọng này. Vì thế, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng đưa Nghị quyết số 57-NQ/TƯ đi vào cuộc sống. Trong đó, cần quán triệt quan điểm đầu tư lâu dài cho lĩnh vực khoa học công nghệ.

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh đến hành động cụ thể để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, trong đó làm rõ vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học cũng như mỗi người dân cần làm gì; đặc biệt cần có đột phá về thể chế, tạo được nguồn nhân lực phong phú, trí tuệ để tạo đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng cần thống nhất cả về nhận thức lẫn hành động khi xác định phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Trên cơ sở đó, các cấp ủy chính quyền cần cụ thể hóa bằng hành động cụ thể, thực tiễn, lấy kết quả triển khai để làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng. Đặc biệt là tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, tạo cơ chế chính sách thông thoáng để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo./.

Hoàng Tình

 

Average (0 Votes)