PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI - TÌM KIẾM CỨU NẠN PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI - TÌM KIẾM CỨU NẠN

Nước sông Bùi rút xuống báo động II, người dân vùng lũ Chương Mỹ vui mừng chuẩn bị về nhà
Publish date 27/09/2024 | 19:54  | Lượt xem: 251

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện: Đến 15h30 ngày 27/9 nước sông Bùi đã giảm xuống mức 6,69 mét, dưới báo động III 0,31m. Nước lũ giảm, người dân các xã thuộc vùng lũ như: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Hữu Văn…đều vui mừng chuẩn bị để về nhà.

Nước sông Bùi rút xuống báo động II, nhiều thôn xóm, nhiều nhà ở dân cư đã hết cảnh ngập lụt.

Nếu như ngày 25/9 toàn huyện Chương Mỹ có khoảng 2.000 hộ dân với gần 8.500 nhân khẩu vẫn còn phải di dời đi sơ tán thì đến ngày 27/9, toàn huyện chỉ còn hơn 1.300 hộ dân và gần 5.400 nhân khẩu vẫn còn phải sơ tán.

Nước rút đến đâu, các xã khẩn trương thực hiện vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh đến đó, hỗ trợ nhân dân quay trở về nhà ở đảm bảo an toàn. Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Ngay từ sáng sớm ngày 27/9, xã đã huy động lực lượng tại chỗ cùng với người dân ra quân tổng vệ sinh môi trường ở các điểm nước đã rút nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, sẵn sàng để người dân trở về nhà.

 

Người dân xã Nam Phương Tiến vui mừng trở về nhà sau nhiều ngày đi sơ tán.

Trong niềm vui được về nhà ở, chị Doãn Thị Hòa ở thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến chia sẻ: Nước đã rút khỏi nhà được 2 hôm nay, tôi và gia đình đang tích cực dọn dẹp, kê lại tài sản để sớm ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Như Tính, hàng xóm của chị Hòa cũng bộc bạch: Đi ở nơi sơ tán tập trung nhiều ngày rồi, nay nước rút ông vui mừng lắm. Ông quét dọn, lau chùi đồ đạc để sớm trở về cuộc sống bình thường như trước kia.

Trong niềm vui chung khi nước lũ rút, các hộ dân xã Hoàng Văn Thụ đi sơ tán đã trở về nhà. Chủ tịch UBND xã Lê Hoài Thi cho biết: Toàn xã hiện chỉ còn vài chục hộ ở vùng trũng thấp còn bị nước ngập vào nhà thuộc các thôn: Công An, Thuần Lương. Riêng thôn Tiến Văn vẫn còn bị ngập đường giao thông gây khó cho việc đi lại của người dân. Cán bộ và nhân dân xã đã và đang chung sức thực hiện tổng vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho cuộc sống sau lũ.

Cán bộ và nhân dân các xã tổng vệ sinh môi trường sau khi nước rút.

Để khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân vùng bị ngập úng do mưa bão, ngày 26/9, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Công văn số 1197-CV/HU về việc khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở nghiêm túc quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thành phố và của huyện về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ốn định tình hình Nhân dân, phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Các nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tổng họp, thống kê đầy đủ, chính xác tình hình thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân, cơ sở kinh doanh, ... để thực hiện công tác hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước, Thành phố và của huyện, đảm bảo ổn định cho tất cả người dân bị ảnh hưởng, ổn định đời sống, phục vụ sản xuất kinh doanh.

Rà soát các công trình nhà ở dân cư bị ngập lâu ngày, có nguy cơ mất an toàn để có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ổn định đời sống sau khi nước rút.

Tiếp tục theo dõi tình hình nước rút, khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp khôi phục, khắc phục, hỗ trợ đảm bảo đời sống Nhân dân. Ngay khi nước bắt đầu rút, thực hiện tổng vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra; xử lý nguồn nước để có nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân; khắc phục những thiệt hại, hư hỏng ở các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất; tiêu thoát nước đối với diện tích cây trồng bị ngập; rà soát cơ sở vật chất tại các trường học bị ảnh hưởng bởi mưa bão, ngập úng để có kế hoạch sửa chữa, khắc phục kịp thời, phục vụ cho năm học 2024-2025; đặc biệt lưu ý đối với việc tiếp nhận, phân phối sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân đối với nhân dân các xã, thị trấn bị ngập úng phải đảm bảo công tâm, khách quan, kịp thời, công bằng, đúng mục đích, đúng đối tượng.

Trên cơ sở tình hình thực tế của từng địa phương sau cơn bão số 3, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, kịp thời rà soát, đánh giá, bổ sung các phương án phòng, chống, sẵn sàng ứng phó và khắc phục kịp thời, có hiệu quả mọi tình huống có thể xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ nhằm chủ động, sẵn sàng xử lý kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra với những diễn biến phức tạp của thời tiết trong thời gian tiếp theo, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, của Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại có thế xảy ra.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tiếp tục phối hợp với chính quyền, các ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia khắc phục hậu quả sau mưa bão, ngập úng; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân phối sự ủng hộ cho nhân dân vùng bị ngập, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ neo đơn, yếu thế, hoàn cảnh khó khăn....

Khắc phục hậu quả của hoàn lưu cơn bão số 3, suốt hơn 20 ngày qua, toàn bộ hệ thống chính trị huyện cùng các xã, thị trấn đã dốc lòng thực hiện đồng bộ các biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. UBND huyện ban hành Quyết định số 5693/QĐ-UBND ngày 11/9/2024 tạm cấp hỗ trợ cho 11 xã trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tổng số tiền gần 2,9 tỷ đồng; Quyết định số 5771/QĐ-UBND ngày 13/9/2024 tạm cấp hỗ trợ kinh phí  phòng, chống thiên tai đối với Phòng Kinh tế và 5 xã Hồng Phong, Hữu Văn, Trần Phú, Trung Hòa, Quảng Bị, tổng số tiền 1 tỷ đồng. Để giúp người dân vùng ngập lụt, sơ tán vượt khó khăn, huyện đã huy động các nguồn lực chi hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng tiền mặt, hơn 35 tấn gạo, gần 4.300 thùng mì tôm, gần 13.700 thùng nước uống, hơn 15.400 thùng sữa,  250 bồn chứa nước sinh hoạt loại 1.000 lít/bồn, …cùng nhiều vật dụng, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân. Qua đó đảm bảo không có hộ dân nào trong vùng ngập lụt bị thiếu ăn, thiếu nước uống, thiếu chỗ ở và chưa phát sinh ổ dịch bệnh. Nơi đã rút nước, người dân đã chuyển về nhà ở. Người dân khu vực còn ngập lụt tiếp tục yên tâm ở các nơi sơ tán tập trung chờ nước rút hẳn để về nhà.

Người dân đi sơ tán tiếp tục được chăm lo ăn, uống, học tập....

Để giảm thiểu thiệt hại về sản xuất cho người dân, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương thu hoạch lúa Mùa để trồng cây vụ Đông Xuân 2024 - 2025. Với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, huyện đã phối hợp huy động 400 chiến sỹ (quân đội, công an) giúp các xã vùng ngập lụt thu hoạch lúa. Nhờ vậy đến nay, toàn huyện đã triển khai thu hoạch hơn 2.700ha lúa mùa, đạt 58% tổng diện tích. 

Chủ động hỗ trợ cho sản xuất cho người dân, Giám đốc Xí Nghiệp đầu tư và phát triển thủy lợi Chương Mỹ Đỗ Việt Dũng cho biết: Xí nghiệp luôn sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu nước ra sông Bùi, để tiêu úng thoát nước phục vụ sản xuất cho các xã, thị trấn…../.

Lan Oanh