PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI - TÌM KIẾM CỨU NẠN
Đã không còn mưa trong 48h qua nhưng nước sông Bùi xuống rất chậm, đến 6h30 ngày 25/9, mực nước sông Bùi ở mức 7,29m, vẫn trên báo động III là 0,29m. Mực nước ở các hồ Đồng Sương, Văn Sơn và hồ Miễu vẫn trên ngưỡng tràn. Chính vì vậy, đường đi vào nhiều thôn xóm, khu dân cư các xã thuộc "rốn lũ" của huyện như: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Tốt Động, Hữu Văn, Hoàng Văn Thụ… vẫn ngập sâu trong nước.
Nhiều thôn xóm, khu dân cư vẫn còn ngập nước.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện: Đến nay, toàn huyện vẫn còn hơn 2.000 hộ dân với trên 8.500 người phải sơ tán, tránh ngập lụt tại các điểm sơ tán tập trung và ở nhà người thân vùng không ngập lụt. Huyện và các xã, thị trấn đang huy động tổng lực hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.
Để bảo đảm an toàn, các xã đã chốt chặn, không để người dân tự do vào khu dân cư còn ngập sâu. Các đoàn khách đến thăm, tặng quà động viên người dân vùng ngập lụt được chính quyền cơ sở khuyến cáo tới trụ sở UBND xã hoặc các điểm sơ tán tập trung…
Trụ sở Ban Chỉ huy quân sự xã Nam Phương Tiến được địa phương trưng dụng làm nơi sơ tán, tránh ngập lụt cho người dân các thôn: Nam Hài, Hạnh Bồ, Hạnh Côn, Nhân Lý. Bà Nguyễn Thị Mai và nhiều người dân thôn Nam Hài đang ở đây cho biết: Gia đình phân công một người khỏe mạnh ở lại thôn để trông coi, chăm sóc con chó, con gà... Các thành viên còn lại đều đến đây. Ban ngày, học sinh thì đến lớp, người lớn thì đi làm, tối lại về đây ngủ, tắm giặt…Bà Mai xúc động nói: “Ở đây, chúng tôi được xã bố trí đủ giường nằm, quạt mát, điện thắp sáng, nước sinh hoạt. Hằng ngày, chúng tôi còn được cấp ba bữa ăn miễn phí. Ai ốm đau thì có bác sĩ đến khám và cấp thuốc. Chúng tôi cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã quan tâm, chăm lo suốt 14 ngày vừa qua…”.
Người dân đến sơ tán được chăm lo ăn, uống, làm nghề thủ công của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Thị Mùi cho biết: Để bảo đảm an toàn tính mạng người dân vùng ngập lụt, xã quyết định sơ tán toàn bộ 875 hộ dân của 4 thôn: Nam Hài, Hạnh Bồ, Hạnh Côn, Nhân Lý đến 5 điểm sơ tán tập trung từ ngày 10-9. Do lũ sông Bùi vẫn ở mức trên báo động lũ cấp III nên đến nay, 4 thôn vẫn bị nước lũ cô lập. 875 hộ dân với 4.057 người vẫn phải sơ tán tại 5 điểm tập trung của xã và nhà ở của người thân…
Ngoài chăm lo về chỗ nghỉ, bữa ăn, xã Nam Phương Tiến còn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường học không bị ngập lụt tiếp nhận học sinh hoặc sắp xếp nơi học tập cho các trường còn ngập lụt. Cụ thể, học sinh Trường Mầm non Nam Phương Tiến A đến học ở Trường Mầm non Nam Phương Tiến B; học sinh Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A đến học tại Trường Tiểu học Nam Phương Tiến B. Trường Trung học cơ sở Nam Phương Tiến A tổ chức học trực tiếp tại Trường Trung học cơ sở Tân Tiến (xã Tân Tiến). Để hỗ trợ học sinh, xã Nam Phương Tiến đã bố trí 2 xe ô tô, loại 45 chỗ ngồi/xe đưa đón học sinh.
Xã Nam Phương Tiến phối hợp với Ban giám hiệu các nhà trường đưa đón học sinh đi học.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện: Để giúp người dân vùng ngập lụt, sơ tán vượt khó khăn, huyện đã huy động các nguồn lực chi hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng tiền mặt, hơn 35 tấn gạo, gần 4.300 thùng mì tôm, gần 13.700 thùng nước uống, hơn 15.400 thùng sữa, 250 bồn chứa nước sinh hoạt loại 1.000 lít/bồn, …cùng nhiều vật dụng, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân. Đến thời điểm này, tại các xã còn bị ngập lụt, không có hộ dân nào thiếu ăn, thiếu nước uống, thiếu chỗ ở và chưa phát sinh ổ dịch bệnh…
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, nêu cao tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và các xã, thị trấn vẫn duy trì chế độ trực 24/24h; tăng cường tuần tra, canh gác bảo vệ đê để kịp thời xử lý các sự cố khi xảy ra. Các xã, thị trấn chú trọng công tác bảo đảm an ninh trật tự và cứu trợ đối với các khu vực sơ tán, ngập lụt; cảnh báo nguy hiểm, hạn chế xe trọng tải lớn đi trên các tuyến đê xung yếu.
Đối với những khu vực nước rút, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ nhân dân quay trở về nhà ở bảo đảm an toàn; thu hoạch lúa, hoa màu và triển khai trồng cây vụ đông xuân 2024-2025; xác minh thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ theo quy định…/.
Lan Oanh