XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Chiều 16/10, Ban Chỉ đạo Chương trình 07-CTr/HU huyện Chương Mỹ tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình số 07-CTr/HU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
Dự hội nghị, có đồng chí Nguyễn Văn Thắng – Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Trịnh Tiến Tường – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Anh Đức – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/HU của Huyện ủy; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đươn vị, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; Các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao huyện Chương Mỹ đợt 1 năm 2024.
Toàn cảnh hội nghị
Các đại biểu dự hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu theo dõi phóng sự truyền hình về kết quả thực hiện Chương trình số 07-CTr/HU của Huyện ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, huyện Chương Mỹ đã ban hành Chương trình 07-CTr/HU của Huyện ủy Chương Mỹ giai đoạn 2021-2025. Sau 05 năm triển khai và tổ chức thực hiện mặc dù bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh Covid 19, tình hình biến động của thế giới nhưng cũng đã đạt được những kết quả phấn khởi. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn huyện về công tác xây dựng nông thôn mới đã từng bước chuyển biến; người dân đã xác định mình là chủ thể, là người được hưởng lợi nhiều nhất khi xây dựng nông thôn mới nên đã tích cực đóng góp sức người, sức của trong công tác xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2021 đến nay, nhân dân đã đóng góp được gần 30.000 ngày công, trên 4.000 m2 đất, tiền mặt và công trình hiện vật quy ra tiền đạt xấp xỉ 180 tỷ đồng.
Hạ tầng kinh tế xã hội các xã được tăng cường, đường làng, ngõ xóm cơ bản đã được nhựa hóa, bê tông hóa, các công trình thủy lợi đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong sản xuất nông nghiệp của người dân; trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng đảm bảo cơ sở vật chất theo Chuẩn quốc gia, các thiết chế văn hóa được đầu tư, nâng cấp, xã hội hóa lắp đặt các trang thiết bị ngoài trời đảm bảo nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân nông thôn. Công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm, cơ cấu giống lúa tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ diện tích giống cho hiệu quả kinh tế cao làm tăng giá trị sản xuất trên 1ha canh tác; diện tích cây ăn quả các loại ổn định và phát triển tốt. Đến nay huyện đã có 201 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên trong đó có 1 số sản phẩm đã có thương hiệu được nhiều người biết đến như: rau Chúc Sơn, trà cà gai leo Sadu, trứng gà cà gai leo Sadu, gạo hữu cơ Đồng Phú, bưởi Nam Phương Tiến….
Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng từ 65 triệu đồng/người/năm (năm 2021) tăng lên 74 triệu đồng năm 2023, ước thực hiện năm 2024 đạt 80 triệu đồng/người/năm; dự kiến năm 2025 đạt 85 triệu đồng/người/năm (theo Nghị quyết Đại hội). Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, năm 2021, huyện còn 529 hộ nghèo (tỷ lệ 1,2%), đến hết năm 2023, huyện còn 99 hộ nghèo (tỷ lệ 0,12%), đến hết năm 2024, huyện cơ bản không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1%.
Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020. Hết năm 2023 có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến đến hết năm 2025 có 18 xã đạt nông thôn mới nâng cao, vượt kế hoạch đề ra và có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với các Chỉ tiêu của Chương trình, dự kiến đến hết năm 2025, có 20/25 chỉ tiêu đạt và vượt so với Kế hoạch của Chương trình, trong đó chỉ tiêu số xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tăng 8 xã so với kế hoạch (kế hoạch chương trình 10 xã, kết quả đạt 18 xã), chỉ tiêu về tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6,5% so với năm 2024; Bình quân giai đoạn 2020-2025 tăng 5,4% (kế hoạch là 4%). Tuy nhiên vẫn còn 05 chỉ tiêu không đạt và đạt thấp so với kế hoạch,việc triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Một số ý kiến phát biểu phát biểu tham luận tại hội nghị
Tại hội nghị, đã có 05 ý kiến phát biểu tham luận của Chủ tịch UBND xã Trần Phú, Trường Yên, Công an huyện, MTTQ huyện và đại diện Chủ thể OCOP có sản phẩm được chứng nhận đạt 3 sao năm 2024.
Năm 2024, huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP đợt 1 năm cho 27 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2024, kết quả có 5 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 18 sản phẩm đạt 3 sao. Tại hội nghị, đồng chí Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 07 đã trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao cho 18 sản phẩm của 07 chủ thể.
Trao Chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao đợt 1, năm 2024 cho các chủ thể
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thắng – Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/HU đã nhấn mạnh những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn huyện trong những năm vừa qua. Đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 07 đề nghị các phòng, ban ngành chuyên môn huyện, các cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời, bám sát nhiệm vụ chính trị của huyện, sự chỉ đạo của Thành ủy, Huyện ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình 07-CTr/HU huyện Chương Mỹ để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình đạt kết quả cao nhất.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng phát biểu ý kiến chỉ đạo và kết luận hội nghị
Trong đó, đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đã đề ra; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phù hợp với nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả. Tăng cường quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai để sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tiếp tục triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) nhằm góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ nông thôn; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tập trung hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP, ưu tiên các sản phẩm hoàn thiện, sản phẩm chế biến sâu, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu làm quà tặng đặc trưng của huyện. Duy trì 100% số xã trong huyện có sản phẩm OCOP.
Xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại theo hướng phát triển đô thị; trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của từng vùng, từng địa phương; phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; cải thiện nhanh điều kiện sống ở khu vực nông thôn. Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, phát huy thế mạnh từng vùng và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất của ngành nghề nông thôn, bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Đẩy mạnh các chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng hài hòa giữa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên cơ sở đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường gắn với phát triển du lịch làng nghề. Vận động các nghệ nhân tham gia các hoạt động đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận, bảo tồn làng nghề truyền thống.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư trong sản xuất; hỗ trợ đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, vùng sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến sâu; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh…Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn theo các chính sách mới nhất của nhà nước; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục ưu tiên dành vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện tốt chính sách, chế độ an sinh xã hội; Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Chú trọng công tác môi trường, nhân rộng các mô hình về xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, cụm dân cư, xã, liên xã khu vực nông thôn; mô hình thí điểm xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi; mô hình thí điểm xử lý nước thải sinh hoạt tại nông thôn; phát triển các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh…
Tập trung công tác chuẩn bị, triển khai các nhiệm vụ và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, sau đó là cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2026-2031 để hoàn thiện, củng cố tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nông thôn, đảm bảo ổn định tình hình địa phương làm cơ sở, tiền đề để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
Kim Thoa – Hoàng Tình – Đặng Sáng