LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

Lưu giữ phong tục ăn Tết cùng ở một số xã của huyện Chương Mỹ
Publish date 10/03/2021 | 21:16  | Lượt xem: 269

Theo phong tục cổ truyền của dân tộc ta, trong tháng Giêng âm lịch nhân dân ta đều tổ chức ăn 2 cái tết lớn. Đó là Tết nguyên đán và Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng). Khác với mọi nơi, người dân các xã: Trung Hòa, Trường Yên, Đông Phương Yên, Phú Nghĩa thuộc khu vực miền 6 của huyện Chương Mỹ chúng ta còn có phong tục ăn Tết cùng vào ngày cuối tháng Giêng.  

Theo phong tục cổ truyền của dân tộc ta, trong tháng Giêng âm lịch nhân dân ta đều tổ chức ăn 2 cái tết lớn. Đó là Tết nguyên đán và Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng). Khác với mọi nơi, người dân các xã: Trung Hòa, Trường Yên, Đông Phương Yên, Phú Nghĩa thuộc khu vực miền 6 của huyện Chương Mỹ chúng ta còn có phong tục ăn Tết cùng vào ngày cuối tháng Giêng.

Phong tục ăn Tết cùng là một biểu tượng văn hóa bắt nguồn từ sự kiện có thật xảy ra cách đây hơn 2 thế kỷ. Đó là sự kiện vua Quang Trung cho quân tướng của mình ăn Tết vào ngày 30 Tết (25/1/1789)  ở Tam Điệp trước khi mở trận đánh giải phóng kinh thành, và sự kiện dân thành Thăng Long tản cư chạy loạn giặc Thanh, sau đó trở lại kinh thành, ổn định cuộc sống, tổ chức ăn mừng kinh đô giải phóng.

Trước đó, dân thành Thăng Long đã chuẩn bị ăn Tết với đầy đủ các thứ vật phẩm. Nhưng do phải chạy giặc Thanh, họ chỉ đem được rất ít, còn bánh chưng, phần lớn phải vứt xuống ao, xuống giếng. Khi kinh thành được giải phóng, họ trở về và thử vớt bánh lên, thấy vẫn còn thơm ngon. Dân chúng cảm tạ thần linh đã giúp vua Quang Trung giải phóng kinh đô, cho họ được mở tiệc ăn Tết tại nhà. Từ đó, ở nhiều nơi, nhiều nhà giữ lại cách thức ngâm bánh chưng xuống ao, xuống giếng nước, sau vớt lên “ăn Tết lại”. Ngày nay, tục “ăn Tết cùng”  hoặc “ăn tết lại” được tổ chức ở một số địa phương và mỗi vùng miền tục ăn Tết cùng đều gắn với sự kiện lịch sử được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Ảnh: Người dân xã Trường Yên gói bánh chưng chuẩn bị ăn Tết cùng vào cuối tháng Giêng.

Ở huyện Chương Mỹ, từ bao đời nay nhân dân 4 xã thuộc khu vực miền 6  gồm: Trường Yên, Trung Hòa, Đông Phương Yên và Phú Nghĩa đã lưu giữ được phong tục ăn Tết cùng vào ngày cuối của tháng Giêng. Đây là một phong tục đẹp và mang tính đặc trưng đã được nhân dân các xã gìn giữ từ đời này sang đời khác. Qua đó thể hiện niềm tự hào của người dân trong vùng và cũng đây cũng là giá trị văn hóa tinh thần cần được duy trì, bảo tồn đến muôn đời sau.

Trong ngày "Tết cùng", nhà nào cũng làm cỗ cúng tổ tiên. Có thể về quy mô thì không bằng Tết Nguyên đán, tuy nhiên hầu như những thứ có trong ngày "Tết cùng" không khác mấy so với Tết Nguyên đán. Vẫn có rượu, thịt, bánh chưng xanh. Một số gia đình có điều kiện còn làm tết rất to để mời người thân, bạn bè, khách khứa ở nơi khác về ăn tết.

Ảnh: Giếng cổ ở xã Trường Yên -  đây chính là nơi người dân trong làng đem đồ lễ tết ra giấu để chạy giặc năm xưa.

Theo các vị cao niên ở xã Trường Yên kể lại: Tương truyền từ thời vua Tự Đức, khi bọn giặc Cờ Đen dạt vào miền Bắc nước ta gây nên họa thổ phỉ vào cuối thể kỷ 19. Giặc Cờ Đen vốn là tàn quân của cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc. Sau khi khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc bị triều đình phong kiến Mãn Thanh đàn áp đẫm máu, nhiều toán nghĩa quân phải dạt vào miền Bắc nước ta. Khi giặc Cờ Đen vào đến một số thôn làng của một số xã trong khu vực miền 6 thì cũng đúng vào ngày 30 Tết. Khi đó nhân dân trong vùng đang chuẩn bị bánh chưng, gói giò và chuẩn bị mọi thứ để đón Tết nguyên đán. Để thể hiện lòng quyết tâm chống ngoại xâm, nhân dân trong vùng đều ném bánh chưng, giò xuống giếng sau đó đi chạy loạn. Sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm, nhân dân trở về và tổ chức ăn lại ngày 30 Tết vào đúng ngày cuối tháng Giêng.

 

                                                                                                Kim Thoa

                                                (Trung tâm Văn hóa – TT&TT Chương Mỹ)

 

Average (0 Votes)