DANH LAM THẮNG CẢNH - DU LỊCH SINH THÁI DANH LAM THẮNG CẢNH - DU LỊCH SINH THÁI

Mảnh đất, con người Chương Mỹ gắn với các điểm du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống
Publish date 15/11/2022 | 13:52  | Lượt xem: 388

Mảnh đất, con người Chương Mỹ gắn với các điểm du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống

Chương Mỹ là huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội nằm ở phía Tây nam, cách trung tâm Thủ đô 20 km; phía Bắc giáp huyện Quốc Oai; phía Đông giáp quận Hà Đông, huyện Thanh Oai; phía Nam giáp huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức; phía Tây giáp với huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình). Tổng diện tích tự nhiên của huyện trên 237 km2, là huyện có diện tích lớn thứ 3 của thành phố. Dân số 339.469 người. Toàn huyện có 30 xã và 02 thị trấn. Trung tâm hành chính của huyện đóng tại thị trấn Chúc Sơn.

Ảnh: Cơ sở hạ tầng huyện Chương Mỹ nhìn từ trên cao

Chương Mỹ được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho một địa hình khá đa dạng, vừa có đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ, vừa mang đặc trưng của vùng bán sơn địa có núi, sông, hồ, đồng, bãi, kết hợp với hệ thống sông Bùi, sông Tích phía Tây, sông Đáy bao bọc phía Đông đã dệt nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, thơ mộng và đầy ắp những huyền thoại.

Trên địa bàn huyện Chương Mỹ có tuyến Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh chạy qua đã giúp cho huyện trở thành đầu mối và cầu nối giao thương quan trọng giữa Thủ đô với các tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh vùng Tây Bắc; giữa Hà Nội với các tỉnh thành phía Nam. Bên cạnh đó, còn có đường đê Đáy, đường 419 nối liền các xã trong huyện và nối với các huyện của thành phố.

Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương Mỹ nằm trong vành đai xanh phát triển của Thủ đô với khu đô thị vệ tinh Xuân Mai và đô thị  sinh thái Chúc Sơn.  

Chương Mỹ - mảnh đất địa linh, nhân kiệt

Trong chiều dài lịch sử của dân tộc, Chương Mỹ là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, với nhiều danh tướng, danh nhân gắn với những chiến công hiển hách đã được lưu truyền sử sách như; Danh nhân  - Nhà sử  học Ngô Sỹ Liên – tác giả Đại Việt sử ký toàn thư; danh nhân Lê Ngô Cát với "Đại Nam quốc sử diễn ca"; Thám hoa Đặng Ma La – Người khai khoa của huyện khi mới 14 tuổi; Đô đốc Đông lĩnh hầu Đặng Tiến Đông – danh tướng tài ba, và chiến thắng Tốt Động – Chúc Động của Nghĩa quân Lam Sơn được khắc họa trong Bình Ngô Đại Cáo.

Với những thành tích và đóng góp to lớn trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, nhân dân và Lực lượng vũ trang huyện Chương Mỹ đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danhh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Cùng với đó, đến nay huyện Chương Mỹ đã có 08 xã, thị trấn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị anh hùng lực vũ trang nhân dân”. Năm 2018 nhân kỷ niệm 130 ngày thành lập huyện (1/4/1888 - 1/4/2018) 80 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên (26/11/1938 - 26/11/2018), cán bộ và nhân dân huyện Chương Mỹ đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất. 

Nông nghiệp, nông thôn huyện Chương Mỹ ngày càng khởi sắc

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, trong công cuộc đổi mới phát triển quê hương, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Chương Mỹ luôn đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo dám nghĩ, dám làm đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, chung sức, đồng lòng xây dựng Nông thôn mới, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc. Hết năm 2021, 30/30 xã của huyện được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 03 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, huyện đã được Thủ tưởng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

Trên địa bàn huyện còn có gần 100 cơ quan, đơn vị của Trung ương và Thành phố đóng trên địa bàn; Huyện có 01 khu công nghiệp, 10 cụm công nghiệp. Trong đó Khu công nghiệp Phú Nghĩa nằm trên trục Quốc lộ 6, với tổng diện tích 170ha được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ và hiện đại. Hạ tầng xã hội khu công nghiệp phát triển đồng bộ, các tiện ích công cộng đa dạng, hoàn thiện. Nguồn lao động dồi dào và đã qua đào tạo

Toàn huyện Chương Mỹ có 175/206 làng có nghề, 36 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống tiêu biểu như: mây tre đan Phú Vinh – xã Phú Nghĩa, Mộc Phù Yên – xã Trường Yên, Mộc Phụ Chính – xã Hòa Chính, nón lá Văn La, xã Văn Võ; chế biến nông sản thực phẩm thôn Chi Nê – xã Trung Hòa…

Trong phát triển nông nghiệp, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung và các mô hình có giá trị kinh tế cao. Trong đó, nhãn hiệu sản phẩm tập thể "Bưởi Chương Mỹ" đã được huyện xây dựng thành công từ những năm 2016. Hiện nay, toàn huyện Chương Mỹ có hơn 680ha bưởi Diễn. Các xã, thị trấn có nhiều diện tích trồng bưởi điển hình như: Nam Phương Tiến, thị trấn Xuân Mai, Thủy Xuân Tiên, Hữu Văn, Trần Phú, Văn Võ...Với khí hậu thổ nhưỡng của vùng đất bán sơn địa, người dân chuyên tâm trồng bưởi theo phương pháp hữu cơ và VietGAP và được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Sản phẩm bưởi Chương Mỹ được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Sản phẩm rau an toàn của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn cũng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019. Hiện nay, HTX có diện tích rau được chứng nhận VietGAP là 15ha, trong đó 10ha rau VietGAP được trồng ở Chúc Sơn, 5ha rau VietGAP ở Mộc Châu (Sơn La). Sản lượng tiêu thụ theo chuỗi đạt 600 tấn/năm, doanh thu của HTX tăng 14,6%/năm. HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đã triển khai ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm TP.Hà Nội.

 

Ảnh 2: Mô hình lúa hữu cơ của HTX nông nghiệp Đồng Phú

Được thành lập từ cuối năm 2016, đến nay HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú có trên 100 thành viên, canh tác trên diện tích 45 ha vùng chuyên canh lúa hữu cơ và 50 ha vùng đệm. Hiệu quả kinh tế canh tác lúa hữu cơ của HTX đã được nâng lên rõ rệt, đạt 180 triệu đồng/ha/năm. Việc sản xuất theo phương thức hữu cơ không chỉ giúp tạo ra nông sản sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm mà mô nình này còn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sống, bảo vệ sức khỏe con ngườiGạo hữu cơ Đồng Phú là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Chương Mỹ. Năm 2019 sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú đã được UBND thành phố Hà Nội cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. 

Huyện Chương Mỹ là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển ở tốp đầu của Thành phố Hà Nội. Những năm qua, huyện Chương Mỹ đã tích cực triển khai các Chương trình, Đề án và nhiều giải pháp để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững.

Những năm qua huyện Chương Mỹ đã tích cực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP. Đến nay toàn huyện có tổng số gần 100 sản phẩm được UBND TP Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP. Nhờ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã thúc đẩy quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương và nâng cao giá trị sản phẩm. Năm 2022, huyện phấn đấu có thêm 50 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề của huyện Chương Mỹ

Từ xưa Chương Mỹ đã được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học với nhiều làng khoa bảng. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng và các điểm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề thu hút được đông đảo du khách gần xa.

Chùa Trăm Gian thuộc xã Tiên Phương:                                         

 Chùa có tên chữ là "Quảng Nghiêm tự" được xây dựng từ đời Lý Cao Tông, (1185). Đến thời nhà Trần, chùa là nơi tu học của hoà thượng Bình An, tên thật là Nguyễn Nữ, (thường gọi là Nhữ, tự là Bình An, hiệu Đức Minh) quê ở Bối Khê.

Chùa là một quần thể kiến trúc độc đáo gồm 100 gian. Hiện chùa còn lưu giữ trên 100 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung trong đó đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Âm Bồ Tát và tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông - một tướng lĩnh nhà Tây Sơn. Ngoài ra, chùa còn thờ Đức Thánh Bối được đặt trong khám gỗ. Pho tượng này được rút cốt bằng mây đan ngoài bọc vải sơn, tương truyền là tượng bỏ hài cốt của ông. Chùa đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

 

Ảnh: Toàn cảnh Khu di tích lịch sử chùa Trăm Gian ( xã Tiên Phương)

Hội chùa Trăm Gian từ mùng 4 - 6 tháng giêng hằng năm có rước kiệu thánh, thi cỗ chay và trình rối cạn; ngoài ra còn các trò vui như đánh cờ người, đấu vật, múa rối nước, đốt pháo hoa….

Chùa Trầm: là một quần thể gồm mấy ngôi chùa tọa lạc trên núi Trầm (hay còn gọi là Tử Trầm Sơn), thuộc địa phận xã Phụng Châu. Địa thế chùa rất đẹp với các núi nhỏ chung quanh như núi Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ. Du khách đến thăm quan Danh lam thắng cảnh sẽ được tham quan núi Trầm và ba ngôi chùa: chùa Trầm, chùa Hang và chùa Vô Vi. Động Long Tiên dưới chân núi Tử Trầm Sơn là một hệ thống hang động liên hoàn cao rộng hiếm thấy. Trong động có 15 tác phẩm thơ văn khắc trên vách động, vịnh cảnh chùa.

 

Ảnh: Chùa Trầm ( xã Phụng Châu)

Hang Trầm còn được biết đến vì một sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thì một ngày sau, ngày 20-12-1946 tại đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.

Hội làng Trầm được tổ chức vào 2/2 âm lịch. Trong những ngày cuối tuần cũng có hàng trăm người đến vãn cảnh thăm chùa. Núi Trầm, Chùa Trầm là một điểm quan trọng trong du lịch Hà Nội, một địa chỉ văn hóa - lịch sử thu hút ngày càng nhiều du khách gần xa.

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa:

Trải qua hàng trăm năm phát triển, làng nghề mây, tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa luôn giữ được những giá trị truyền thống mà ông cha để lại, đồng thời phát huy sáng tạo đưa sản phẩm làng nghề dần đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật đan mây, tre Việt Nam.

 

Ảnh: Sản phẩm mây tre giang Phú Vinh, xã Phú Nghĩa

Đến với làng nghề Phú Vinh, được tận mắt chứng kiến mới thấy hết những sản phẩm mây, tre đan đẹp, tinh xảo với hàng trăm mẫu mã, thể loại khác nhau. Không chỉ làm ra những vật dụng gia đình, mộc mạc đậm chất làng quê như: Khay, đĩa, rổ, rá, dần sàng, túi xách, cơi trầu… mà những sản phẩm nội thất, đồ trang trí rất hấp dẫn như: Bàn ghế, bình hoa, chao đèn, lọ lộc bình, khung ảnh. Ngày nay, người dân Phú Vinh còn làm ra những đồ lưu niệm, đồ trang sức đòi hỏi tay nghề kĩ thuật cao như: Chim bay, cá lượn, tranh chân dung, hoành phi câu đối, chao đèn, lu nước... Qua trí tưởng tượng và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, các sản phẩm thành hình mang trọn nét độc đáo và đặc trưng riêng của Phú Vinh.

Sân gôn Skylake Golf Resort: 

Được xây dựng bên cạnh hồ Văn Sơn, Chương Mỹ, sân Gôn Skylake cách trung tâm thành phố Hà Nội 40km. Hệ thống sân gôn và khu nghỉ dưỡng Skylake xây dựng nhằm mục đích thu hút phần lớn khách hàng quốc tế và địa phương.

Khung cảnh đẹp tự nhiên được tận dụng để tạo tính liên tục và nhất quán trong thiết kế tổng thể. Skylake Golf được biết đến là sân golf 36 lỗ tốt nhất gần thành phố Hà Nội với tầm nhìn đẹp và chất lượng sân cỏ đạt đẳng cấp thế giới.

 

Ảnh: Sân golf Văn Sơn

Hồ Đồng Sương: nằm trên địa bàn xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ và tiếp giáp xã Thành Lập, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Hồ được xây dựng từ năm 1969 - 1972 có tiện tích 203 ha, dung tích 10,5 triệu m3 nước, diện tích lưu vực khoảng 45 km2. Hồ mới được cải tạo, nâng cấp một số hạng mục công trình và hoàn thành năm 2012. Nhiệm vụ của Hồ là cấp nước tưới cho 830 ha diện tích đất canh tác của của một số xã của huyện Chương Mỹ. Ngoài ra Hồ còn có nhiệm vụ giảm nhẹ lũ cho vùng hạ du, kết hợp nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái, cải thiện môi trường; điều hòa lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về.

Đồi Bù:

Đồi Bù hay còn gọi là đồi nhảy dù 833 thuộc thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Đồi Bù là địa danh nằm giáp ranh giới huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Nơi đây có dãy núi đẹp, sườn thoải với độ dài 1,5km.

Địa điểm này phù hợp với những ai thích phượt, mong muốn trải nghiệm cảm giác hòa mình với thiên nhiên hùng vĩ. Không chỉ được khám phá thiên nhiên, đồi Bù còn tạo cơ hội ghi lại những khoảnh khắc tuổi trẻ tuyệt vời giữa bạt ngàn núi rừng, giữa những đồi lau trắng yên bình và thơ mộng.

 

Ảnh: Khách du lịch trải nghiệm dù lượn tại Đồi Bù (xã Nam Phương Tiến)

Về Chương Mỹ hôm nay bất kỳ ai cũng cảm nhận được sự đổi thay rõ nét của quê hương với kinh tế xã hội phát triển toàn diện, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một nâng lên. Chương Mỹ hôm nay đã thực sự khoác trên mình bộ quần áo mới rực rỡ sắc màu.

Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương Chương Mỹ anh hùng, đã được kết tinh trong lịch sử dựng nước và giữ nước, được vun đắp qua bao thế hệ, cùng với khát vọng vươn lên của nhân dân trên nền tảng những thành tựu và kinh nghiệm đạt được trong thời kỳ đổi mới, tin rằng Đảng bộ, Chính quyền, Lực lượng vũ trang và Nhân dân huyện Chương Mỹ sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, xây dựng huyện Chương Mỹ ngày càng phát triển, văn minh.

Kim Thoa

(Trung tâm Văn hóa - TT&TT)

Average (0 Votes)