GIỚI THIỆU CHUNG

1. Đặc điểm vị trí địa lí, địa hình, dân cư:  

Huyện Chương Mỹ ngày nay là một trong 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô Hà Nội, là huyện ngoại thành nằm ở phía Tây nam, cách trung tâm Thủ đô 20 km; phía Bắc giáp huyện Quốc Oai; phía Đông giáp  quận Hà Đông, huyện Thanh Oai; phía Nam giáp huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức; phía Tây giáp với huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình).

Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 237,38 km2, là huyện có diện tích lớn thứ 3 của thành phố. Dân số 339.469 người. Trong đó, người dân tộc Kinh chiếm đại đa số, có 01 thôn dân tộc Mường (Đồng Ké,  xã Trần Phú); ngoài ra còn có một số dân tộc thiểu số khác ở rải rác tại các xã, thị trấn.

Chương Mỹ được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho một địa hình khá đa dạng, vừa có đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ, vừa mang đặc trưng của vùng bán sơn địa có núi, sông, hồ, đồng, bãi, kết hợp với hệ thống sông Bùi, sông Tích phía Tây, sông Đáy bao bọc phía Đông đã dệt nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, thơ mộng và đầy ắp những huyền thoại. Đó cũng là điều kiện để phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện.  Bên cạnh đó, các hồ Đồng Sương, Văn Sơn, Hồ Miễu và những dãy núi nằm ở phía Tây huyện, không chỉ là những cảnh quan đẹp mà còn tạo cho huyện thế phòng thủ tự nhiên vững chắc.

Trên địa bàn huyện có các tuyến đường quan trọng chạy qua như: tuyến Quốc lộ 6 với chiều dài 18 km và đường Hồ Chí Minh với chiều dài 16,5 km giúp cho Chương Mỹ trở thành đầu mối và cầu nối giao thương quan trọng giữa Thủ đô với các tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh vùng Tây Bắc; giữa Hà Nội với các tỉnh thành phía Nam. Bên cạnh đó, còn có đường đê Đáy, đường 419 nối liền các xã trong huyện và nối với các huyện của thành phố.

Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương Mỹ nằm trong vành đai xanh phát triển của Thủ đô với khu đô thị vệ tinh Xuân Mai và đô thị  sinh thái Chúc Sơn.  

2. Lịch sử hình thành và truyền thống cách mạng.   

Về địa danh hành chính, đất Chương Mỹ thời đầu dựng nước thuộc quận Giao Chỉ. Thời Lý Trần trở đi thuộc Châu Quốc Oai sau là lộ Quốc Oai và lộ Ứng Thiên. Năm 1397 Hồ Quý Ly cho đổi trấn Quốc Oai làm trấn Quảng Oai. Trong đó có một phần đất Chương Mỹ. từ thời Lê thế kỷ XV, sau cải cách hành chính của Lê Thánh Tông, cả nước có 13 đạo thừa tuyên, trong đó có đạo Sơn Tây và Sơn Nam, có đất của huyện Chương Mỹ. Thực tế phần đất chính của huyện Chương Mỹ là huyện Chương Đức, Phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam.

Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) mùa hạ, tháng tư, triều đình Nguyễn chia đạo Mỹ Đức làm 2 vùng: vùng người Mường nhập vào tỉnh Phương Lâm (Hòa Bình), còn vùng người kinh thì chia thành 2 huyện: huyện Yên Đức (Mỹ Đức) và Chương Mỹ.

Huyện Chương Mỹ lấy đây là mốc lịch sử hình thành huyện và lấy ngày1/4 là ngày thành lập huyện. Năm 2018, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện long trọng tổ chức kỷ niệm tròn 130 năm ngày thành lập huyện (1/4/1888 - 1/4/2018).

Trải qua nhiều lần tách, nhập, hợp nhất tỉnh, Chương Mỹ lần lượt là huyện của các tỉnh Hà Đông,  Hà Sơn Bình, Hà Tây và chính thức trở thành 1 trong 30 quận, huyện, thị xã của Thành phố Hà Nội từ ngày 01/8/2008 theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII.

Trong chiều dài lịch sử của dân tộc, Chương Mỹ là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, với nhiều danh tướng, danh nhân gắn với những chiến công hiển hách đã được lưu truyền sử sách như: nữ tướng Vĩnh Hoa, Lang Nương, Vĩnh Nương, Lý thị Ngọc Ba trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Nữ tướng Dương Thị Phương Lan trong cuộc đánh đuổi quân Nam Hán của Ngô Quyền; Danh nhân  - Nhà sử  học Ngô Sỹ Liên – tác giả Đại Việt sử ký toàn thư; danh nhân Lê Ngô Cát với "Đại Nam quốc sử diễn ca"; Thám hoa Đặng Ma La – Người khai khoa của huyện khi mới 14 tuổi; Đô đốc Đông lĩnh hầu Đặng Tiến Đông – danh tướng tài ba, và chiến thắng Tốt Động – Chúc Động của Nghĩa quân Lam Sơn được khắc họa trong Bình Ngô Đại Cáo.

“Ninh Kiều máu chảy thành sông, hôi tanh muôn dặm

Tốt Động thây phơi đầy nội, thối để nghìn thu”

Nhân dân Chương Mỹ sớm giác ngộ cách mạng và một lòng theo Đảng, ngày 26/11/1938, chi bộ Yên Trường, xã Trường Yên được thành lập, gồm 04 đảng viên. Đây là tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Chương Mỹ, đánh dấu một mốc son lịch sử, một bước phát triển mới trong phong trào đấu tranh cách mạng ở huyện. Từ đây Chi bộ Đảng là hạt nhân đã lãnh đạo nhân dân trong huyện cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân và liên tiếp những năm tháng sau đã cùng cả dân tộc đấu tranh giành chiến thắng trong 02 cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và chống Đế quốc Mỹ. Trong 02 cuộc kháng chiến oanh liệt này, huyện Chương Mỹ đã có 3.346 liệt sỹ, 1.298 thương binh và 901 bệnh binh.

Với những thành tích và đóng góp to lớn trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, ngày 01/2/2002 nhân dân và Lực lượng vũ trang huyện Chương Mỹ đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danhh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Lễ đón nhận danh hiệu cao quý này, được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và Lực lượng vũ trang trong huyện tổ chức trọng thể vào ngày 27/3/2002.

Cùng với đó, đến nay huyện Chương Mỹ đã có 08 xã, thị trấn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị anh hùng lực vũ trang nhân dân” đó là xã Trường Yên, Tiên Phương, Thủy Xuân Tiên, Đại Yên, Trần Phú, Nam Phương Tiến, Hòa Chính và thị trấn Xuân Mai. Cùng với 8 xã, thị trấn, huyện còn có liệt sỹ Nguyễn Thị Hạp xã Hoà Chính, liệt sỹ Tống Quang Huyên xã Tiên Phương được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 276 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự “Mẹ Việt Nam anh hùng”, 23 đồng chí được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng và 17 cán bộ tiền khởi nghĩa, cùng hàng ngàn Huân, Huy chương các loại.  Đó là những phần thưởng cao quý có sức mạnh cổ vũ động viên tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chương Mỹ tiếp tục phát huy trong giai đoạn cách mạng mới.

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, trong công cuộc đổi mới phát triển quê hương, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Chương Mỹ luôn đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo dám nghĩ, dám làm đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, chung sức, đồng lòng xây dựng Nông thôn mới, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc.

Với những kết quả nổi bật, liên tục 04 năm liền từ 2016 - 2019, cán bộ và nhân dân huyện Chương Mỹ được nhận cờ Đơn vị thi đua xuất sắc của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội. Trong đó, năm 2016,  2019 nhận cờ Đơn vị thi đua xuất sắc của Thành phố; năm 2017, 2018 nhận cờ thi đua xuất sắc của Chính Phủ. 

Đặc biệt năm 2018, tại Lễ kỷ niệm 130 ngày thành lập huyện (1/4/1888 - 1/4/2018) 80 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên (26/11/1938 - 26/11/2018), cán bộ và nhân dân huyện Chương Mỹ đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất. Cá nhân đồng chí Lê Trọng Khuê – Thành ủy viên, Chủ tịch Hội nông dân Thành phố, Nguyên Bí thư Huyện ủy; đồng chí Đinh Mạnh Hùng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chương Mỹ.

3. Đơn vị hành chính huyện.

 Từ 01/8/2008, Huyện Chương Mỹ chính thức là một trong 30 quận huyện, thị xã của Thủ đô Hà Nội, đơn vị hành hình gồm 30 xã và 02  thị trấn, đó là: Thị trấn Chúc Sơn, thị trấn Xuân Mai. Các xã: Phụng Châu, Tiên Phương, Phú Nghĩa, Đông Phương Yên, Đông Sơn, Thủy Xuân Tiên, Thanh Bình, Trường Yên, Ngọc Hòa, Thụy Hương, Đại Yên, Trung Hòa, Tốt Động, Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương, Quảng Bị, Hợp Đồng, Lam Điền, Hoàng Diệu, Thượng Vực, Văn Võ, Đồng Phú, Hồng Phong, Trần Phú, Đồng Lạc, Hòa Chính và Phú Nam An.

Trung tâm hành chính của huyện đóng tại thị trấn Chúc Sơn.

Trên địa bàn huyện còn có gần 100 cơ quan, đơn vị của Trung ương và Thành phố đóng trên địa bàn; Huyện có 01 khu công nghiệp, 9 cụm công nghiệp, 175/206 làng có nghề, 36 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Trong đó, chiếm đa số là nghề thủ công Mây tre đan truyền thống.

Khu công nghiệp Phú Nghĩa

Chương Mỹ có làng nghề mây tre đan Phú Vinh với truyền thống hàng trăm năm

4. Truyền thống văn hóa, Lễ hội và di tích lịch sử:

Từ xưa Chương Mỹ đã được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học với nhiều làng khoa bảng đã được lưu truyền qua câu ca:

Giàu thì Quảng Bị, Bối Khê

Làm quan Lương xá, Chi Nê, Đại Từ

Bên cạnh những danh nhân, danh tướng, khoa bảng trong các triều đại xưa, thời đương đại Chương Mỹ đã có những nghệ sỹ nổi tiếng khắp thế giới đó là Nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn – quê xã Thụy Hương Chương Mỹ, Ông là một tài năng lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Năm 1980 ông đạt giải nhất cuộc thi Piano quốc tế mang tên “Sôpanh” lần thứ 10. Danh họa Nguyễn Gia Trí – người con quê hương xã Trường Yên. Ông là một họa sỹ xuất chúng, toàn năng, một bậc thầy của nền hội họa Việt Nam.

Có thể nói: Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, Chương Mỹ là một trong những miền quê giàu truyền thống cách mạng. Trên địa bàn huyện có 374 di tích được đưa vào danh mục quản lý, trong đó 170 di tích đã được xếp hạng (cấp Quốc gia: 32 di tích; cấp tỉnh, thành phố: 138 di tích); 01 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 11 di tích được gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Di tích Quốc gia: chùa Trăm Gian, chùa Trầm là một trong những di tích mang nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng.

Chùa Trăm Gian thuộc xã Tiên Phương; Chùa có tên chữ là "Quảng Nghiêm tự" được xây dựng từ đời Lý Cao Tông, (1185). Đến thời nhà Trần, chùa là nơi tu học của hoà thượng Bình An, tên thật là Nguyễn Nữ, (thường gọi là Nhữ, tự là Bình An, hiệu Đức Minh) quê ở Bối Khê. Theo các nhà nghiên cứu thì Chùa Trăm gian ở trên một quả đồi cao chừng 50 m, thuộc dãy núi Tiên Lũ - còn gọi là núi Mã. Chùa là một quần thể kiến trúc độc đáo gồm 100 gian. Hiện chùa còn lưu giữ trên 100 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung trong đó đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Âm Bồ Tát và tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông - một tướng lĩnh nhà Tây Sơn. Ngoài ra, chùa còn thờ Đức Thánh Bối được đặt trong khám gỗ. Pho tượng này được rút cốt bằng mây đan ngoài bọc vải sơn, tương truyền là tượng bỏ hài cốt của ông. Chùa đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Chùa Trăm Gian cổ kính

Hội chùa Trăm Gian từ mùng 4 - 6 tháng giêng hằng năm có rước kiệu thánh, thi cỗ chay và trình rối cạn; ngoài ra còn các trò vui như đánh cờ người, đấu vật, múa rối nước, đốt pháo hoa…Đây còn là lễ hội truyền thống của cư dân nông nghiệp lúa nước, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước và đoàn kết, rèn luyện tinh thần thượng võ và thi tài khéo léo. Những truyền thống tốt đẹp ấy vẫn được gìn giữ và truyền lại cho những thế hệ mai sau.

Chùa Trầm là một quần thể gồm mấy ngôi chùa tọa lạc trên núi Trầm (hay còn gọi là Tử Trầm Sơn), thuộc địa phận xã Phụng Châu. Địa thế chùa rất đẹp với các núi nhỏ chung quanh như núi Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ.

Du khách đến thăm quan Danh lam thắng cảnh sẽ được tham quan núi Trầm và ba ngôi chùa: chùa Trầm, chùa Hang và chùa Vô Vi. Ba ngôi chùa đã đạt đến sự hài hòa cao độ giữa núi và chùa, tạo cảm giác thư thái, an bình.

Chùa Trầm

Trong kháng chiến chống Pháp, hang Trầm là nơi Hồ Chủ tịch từng sống và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến. Đây cũng là địa điểm đầu tiên Đài tiếng nói Việt nam chuyển về sau khi rời Hà Nội để tiếp tục làm việc (từ ngày 20-12-1946 đến ngày 4-3-1947. Chính từ đây Đài tiếng nói Việt nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 20-12-1946

Chùa Trầm: Ngôi chùa chính xây dựa vào vách núi. Chùa nhỏ nhưng sân rộng lại có nhiều cây cổ thụ nên tạo không gian trang nghiêm, thanh tịnh. Xưa kia toàn bộ khu núi Trầm là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung.

Chùa Hang được xây dựng trong động Long Tiên dưới chân núi Tử Trầm Sơn cách chùa chính về bên trái. Bề ngang cửa hang chỉ hơn 7 mét, chiều cao trên 3 mét nhưng bên trong là một hệ thống hang động liên hoàn cao rộng hiếm thấy. Trong động bày bàn thờ Phật cùng những pho tượng đá. Có giá trị văn học là 15 tác phẩm thơ văn khắc trên vách động, vịnh cảnh chùa.

Hang Trầm còn được biết đến vì một sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thì một ngày sau, ngày 20-12, tại đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.

Nổi tiếng nhất trong ba ngôi cổ tự chính là chùa Vô Vi cách chùa chính khoảng 1 km. Chùa được xây dựng năm (968). Bước lên mấy chục bậc đá, ở một chặng dừng nghỉ, ta bắt gặp tấm bia đá lớn phía bên trái, khắc bài thơ của Trần Văn Tăng viết bằng chữ Nôm: Trùng phảng Vô Vi Tự 

Chùa còn có quả chuông đồng đúc năm 1814 thời Nguyễn. lên 100 bậc thang đá quanh co là lầu Nghênh Phong trên đỉnh núi, nơi du khách có thể trải tầm mắt ngắm toàn bộ khung cảnh của vùng danh thắng núi Trầm và ngắm cảnh đồng quê trù phú một vùng ven sông Đáy..

Hội làng Trầm được tổ chức vào 2/2 âm lịch. Vào dịp lễ hội chùa Trầm, du khách về dự lên tới hàng nghìn người. Trong những ngày cuối tuần cũng có hàng trăm người đến vãn cảnh thăm chùa. Núi Trầm, Chùa Trầm là một điểm quan trọng trong du lịch Hà Nội, một địa chỉ văn hóa - lịch sử thu hút ngày càng nhiều du khách gần xa.

 5. Kết quả phát triển kinh tế -  xã hội của huyện năm 2023

Tổng giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010 ước thực hiện 31.116 tỷ đồng, đạt 100,7% so kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp: 57,6% - 27,1% - 15,3%. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2022 ước đạt 68,5 triệu đồng/người/năm, đạt 100,7% so với kế hoạch và bằng 108,6% so với cùng kỳ.

* Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản ước thực hiện là 17.490 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kế hoạch năm và tăng 12% so với cùng kỳ (năm 2021 đạt 15.620 tỷ đồng, tăng 7,1%); trong đó: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước thực hiện 11.420 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ; xây dựng cơ bản ước thực hiện 6.070 tỷ đồng, tăng 13,5% so cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện đã tăng tốc trở lại. Đến nay, toàn huyện có 848 doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng cơ bản (tăng 96 doanh nghiệp so với năm 2021) và trên 8 nghìn cơ sở sản xuất cá thể công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản đang hoạt động. UBND huyện đã triển khai và thực hiện đồng bộ các chính sách của Nhà nước, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn, lao động, xây dựng thị trường, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch khuyến công, Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2022; duy trì hoạt động các làng nghề trên địa bàn huyện.

* Về thương mại - dịch vụ

Toàn huyện có 1.084 doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ (tăng 99 doanh nghiệp so năm 2021) và 9 nghìn cơ sở cá thể đang hoạt động. Giá trị sản xuất theo giá so sánh ước thực hiện 8.790 tỷ đồng, đạt 101,6% so kế hoạch, tăng 15,2% so cùng kỳ (năm 2021 đạt 7.930 tỷ đồng, tăng 11,4%).

Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng đến nay ngành thương mại, dịch vụ đã trở lại hoạt động bình thường. Các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh cá thể hoạt động có hiệu quả, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Trên thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng; giá cả hàng hóa thiết yếu, dịch vụ tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số mặt hàng như: Thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh Covid-19 và các mặt hàng rau, củ, quả tăng cao (đặc biệt trong thời gian 3 tháng đầu năm do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19). Hệ thống phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh đảm bảo phục vụ tốt và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; thương mại điện tử phát triển mạnh. Phối hợp tổ chức thành công chương trình Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022 tại huyện Chương Mỹ nhằm trưng bày, quảng bá các sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố và của huyện.

Công tác quản lý thị trường: Tăng cường kiểm tra trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu; qua kiểm tra: hàng hóa trên thị trường phong phú, đa dạng, cơ bản đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng quá hạn sử dụng bán trên thị trường.

Tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu; thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các trường hợp hoạt động bán lẻ xăng dầu trái phép, trong đó: đợt khan hiếm xăng dầu tháng 11 năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 huyện tăng cường kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh xăng dầu, chấn chỉnh, xử phạt 01 trường hợp vi phạm theo quy định. Các dịch vụ điện lực, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, ngân hàng, tín dụng cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

* Sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - Thủy sản: Giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010 ước thực hiện 4.836 tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch, tăng 5,9% so cùng kỳ (năm 2021 đạt 4.568 tỷ đồng, tăng 6,1%). Trong ngành nông nghiệp, tỷ trọng ngành chăn nuôi là 65,8%, trồng trọt là 34,2%. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 4.305 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ.

* Về trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây hàng năm là 20.756,2ha, đạt 102,2% kế hoạch và bằng 97,4% so với cùng kỳ. Trong đó: Diện tích lúa 15.475,3ha, đạt 99% kế hoạch và bằng 95,7% so với cùng kỳ, cơ cấu giống lúa tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ diện tích giống cho hiệu quả kinh tế cao làm tăng giá trị sản xuất trên 1ha canh tác; cây ngô 1.420,1ha, đạt 125,7% kế hoạch và bằng 114% so với cùng kỳ; khoai lang 278,8ha, đạt 74,3% kế hoạch và bằng 85,1% so cùng kỳ; lạc 372,3ha, đạt 107,9% kế hoạch và bằng 95% so với cùng kỳ; đậu tương 111,8ha, đạt 139,8% kế hoạch và bằng 82,1% so cùng kỳ; cây rau đậu các loại và cây kinh tế khác 3.097,7ha, đạt 112,6% kế hoạch và bằng 107,4% so cùng kỳ. Năng suất lúa đạt 62,5 tạ/ha, bằng 100,3% so cùng kỳ; ngô 60 tạ/ha; khoai lang 91 tạ/ha; đậu tương 20 tạ/ha; lạc 30 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 105.113 tấn, đạt 103,3% kế hoạch và bằng 97,1% so cùng kỳ. Diện tích cây lâu năm là 2.018,2ha (trong đó có 1.410ha trồng tập trung) tăng 15,6ha so với cùng kỳ; diện tích cây ăn quả các loại ổn định và phát triển tốt.

* Về chăn nuôi: Trên địa bàn huyện có 583 trang trại chăn nuôi, tăng 10 trang trại so với năm 2021 (trong đó có 04 trang trại lợn và 06 trang trại gà); đàn lợn có 202,5 nghìn con, bằng 99,7% so với cùng kỳ; đàn trâu, bò có 13,8 nghìn con, bằng 93,9% so cùng kỳ; đàn gia cầm có 6.215 nghìn con, bằng 101% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng có mức tăng trưởng khá. Giá thực phẩm trâu, bò, lợn, gia cầm tương đối ổn định. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao làm giảm lợi nhuận của người chăn nuôi. Đã khống chế thành công 01 ổ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại xã Đông Sơn; đã kiểm soát tốt dịch bệnh, không phát sinh ổ dịch mới.

Tổng diện tích đất rừng trên địa bàn huyện là 507,37ha, trong đó có 477,16ha rừng đảm bảo độ che phủ. Tổ chức tốt Lễ phát động tết trồng cây Xuân Nhâm Dần tại trường Tiểu học xã Đồng Phú vào ngày 07/02/2022 (mùng 7 Tết) và phát động toàn dân, các cơ quan, doanh nghiệp, các trường học hưởng ứng Tết trồng cây; xử lý kịp thời 01 vụ cháy rừng. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 11 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức nuôi trồng thủy sản; các hộ và các trang trại nuôi trồng thủy sản sau khi thu hoạch sản phẩm tiếp tục cải tạo bờ bao, ao hồ và xuống giống đợt mới. Hỗ trợ giống thủy sản cho vùng thủy sản tập trung tại 03 xã chuyên canh thủy sản; triển khai mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh nuôi cá trắm cỏ ghép sử dụng 100% thức ăn công nghiệp. Mặc dù một số xã bị ảnh hưởng của mưa lớn và lũ rừng ngang, nhưng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển; giá trị sản xuất ngành thủy sản theo giá so sánh năm 2010 đạt 520 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ.

* Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: dự toán giao 672,12 tỷ đồng; ước thực hiện năm 2022 là 789,843 tỷ đồng, đạt 117,5% dự toán năm và bằng 108,8% so cùng kỳ. Thu ngân sách huyện, xã: ước thực hiện năm  3.526,126 tỷ đồng (trong đó: thu ngân sách huyện 3.039,176 tỷ đồng; thu ngân sách xã 486,950 tỷ đồng). Chi ngân sách huyện, xã: thực hiện đến ngày 22/11/2022 là 2.312,968 tỷ đồng, đạt 105,8% dự toán năm, ước thực hiện năm 2022 là  3.290,967 tỷ đồng, đạt 150,5% dự toán năm và bằng 119,6% so cùng kỳ (trong đó: chi ngân sách huyện 2.001,787 tỷ đồng, đạt 102,8% dự toán năm, ước thực hiện năm 2022 là 2.862,415 tỷ đồng, đạt 147% dự toán năm; chi ngân sách xã thực hiện 311,181 tỷ đồng, đạt 129,8% dự toán năm, ước thực hiện năm 2022 là 428,551 tỷ đồng, đạt 178,7% dự toán năm).

Ảnh: Mô hình trồng hoa lan tại xã Thụy Hương.

89% số hộ được công nhận gia đình văn hóa, 84% số thôn, 95% tổ dân phố, 79,6% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa. Có thêm 5 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên 76,4% trường. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,64 %.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thực hiện hiệu quả, tích cực. Đặc biệt huyện đã chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch Covid -19 với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn. 100% xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ suất sinh thô giảm 0,37%o; Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,2%; tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm 0,2%.

Công tác bảo hiểm xã hội được thực hiện tốt: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 95%, bảo hiểm thất nghiệp đạt 95%; tốc độ gia tăng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là 36%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,1% dân số. 

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác quốc phòng - quân sự địa phương được thực hiện tốt. Các lực lượng an ninh, quân sự đã đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn, nhất là bảo vệ an toàn tuyệt đối các lực lượng tham gia xây dựng tường rào sân bay miếu môn và Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hoạt động của HĐND, UBND huyện tiếp tục có nhiều đổi mới với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, kỷ cương – kỷ luật hành chính có nhiều chuyển biến rõ nét. Niềm tin của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền các cấp trong huyện được nâng cao.  

Ảnh: Thị trấn Chúc Sơn - Trung tâm của huyện ngày càng đổi mới.

6. Kết quả công tác xây dựng Đảng năm 2022.

Công tác xây dựng Đảng được Ban Thường vụ Huyện uỷ và cấp uỷ các cấp đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020. Việc chuẩn bị văn kiện, nhân sự và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV được tiến hành rất tích cực, khẩn trương, đúng quy định và có đổi mới, chất lượng tốt và đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng gắn với xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện. Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, lễ hội và nhiệm vụ chính trị của huyện gắn với tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tính đến 31/12/2020, có 59 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy (trong đó Đảng bộ cơ sở là: 43; chi bộ cơ sở: 16); Tổng số chi bộ trực thuộc Đảng uỷ cơ sở: 486. Trong năm 2020 cấp ủy các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, trọng tâm là lãnh đạo xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, củng cố tổ chức đảng yếu kém. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Tính đến 31/12/2020 toàn huyện có 11.365 đảng viên. Trong công tác phát triển đảng viên mới luôn được quan tâm của các cấp uỷ Đảng từ huyện đến cơ sở; trong năm đã mở 05 lớp bồi dưỡng nhận thức Đảng cho 672 quần chúng ưu tú. Toàn huyện đã kết nạp được 261/250 đảng viên (đạt 104,4% kế hoạch năm 2020). Chất lượng đảng viên mới kết nạp ngày càng nâng cao; trong đó tỉ lệ đảng viên nữ, đảng viên là đoàn viên thanh niên, đảng viên có trình độ đại học đạt trên 50%

Việc chỉ đạo đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên được thực hiện nghiêm túc, bài bản, đúng hướng dẫn. Qua tổng hợp kết quả đánh giá, phân loại đảng viên năm 2020, chất lượng đảng viên ngày càng nâng cao, việc đánh giá sát thực tế, thực chất, đi vào chiều sâu, theo hướng đa chiều, liên tục và lượng hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Qua đánh giá phân loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2020: Toàn đảng bộ huyện có 11 Tổ chức cơ sở đảng Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 47 Tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ; 01 Tổ chức cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ; Không có Tổ chức cơ sở Đảng không hoàn thành nhiệm vụ.

Số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 1.321 đồng chí; Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ là 6.999 đồng chí; Đảng viên hoàn thành nhiệm vụ: 1.412 đồng chí; còn 138 đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt, trong năm 2020, Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Huyện ủy về tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tập trung chỉ đạo 467/467 chi bộ trực thuộc Đảng ủy, 59/59 Tổ chức cơ sở đảng tổ chức đại hội thành công tốt đẹp, đảm bảo 04 nội dung tại Đại hội theo quy định.

Ảnh: Toàn cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV.

Công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chương Mỹ lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 được thực hiện bài bản, khoa học. Ngày 10, 11/8/2020, đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chương Mỹ lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, đảm bảo các điều kiện trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công tác bầu cử trong đại hội được thực hiện dân chủ, đúng quy chế bầu cử trong Đảng, đã tiến hành bầu trực tiếp Bí thư Huyện ủy tại Đại hội với kết quả đạt 100%. Kết quả bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIV và bầu đại biểu đi dự đại hội Đảng bộ Thành phố đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu (tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ (17,07% ) cao nhất trong các nhiệm kỳ gần đây).

Ảnh: Đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng các đồng chí lãnh đạo Thành phố tặng hoa chúc mừng Đại hội và tặng hoa chúc mừng Ban chấp hành Đảng bộ huyện Chương Mỹ khóa XXIV.

Ngay sau thành công Đại hội Đảng bộ huyện Chương Mỹ lần thứ XXIV, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Kế hoạch tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đến các Đảng bộ, chi bộ cơ sở, MTTQ và các phòng, ban, ngành, đoàn thể và toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Ban hành Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá nhiệm kỳ 2020-2025; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong đó, chủ trương xây dựng các chương trình công tác trọng tâm và các Đề án, Kế hoạch trên các lĩnh vực. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo UBND huyện, các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tham mưu xây dựng 09 chương trình công tác; thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình công tác để triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định, phù hợp với chức năng nhiệm vụ.

Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2020. Tập trung đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác dân vận, chỉ đạo kiện toàn các tổ dân vận sau Đại hội Đảng các cấp. Chỉ đạo tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn huyện năm 2020.  Các ý kiến, kiến nghị trực tiếp tại hội nghị đã được đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời trực tiếp tại hội nghị và được nhân dân đồng tình, đánh giá cao

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; tổ chức tốt các phong trào thi đua, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, thăm hỏi, tặng quà các đoàn viên, hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

7. Phương hướng, nhiệm vụ năm 2023

Bước sang năm 2023, huyện Chương Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu kép đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội, biến thách thức thành thời cơ, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, ứng phó hiệu quả với thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, diễn biến của thị trường. Duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng làm tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Giữ vững ổn định xã hội, an ninh quốc phòng; đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 -2025, quyết tâm thực hiện chủ đề của UBND thành phố là: “ Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, đổi mới và phát triển”.

20 chỉ tiêu chủ yếu được UBND huyện đề ra trong năm 2023 là:

1. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cả năm đạt: 11,5%. Trong đó:

- Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng: Tăng 11,2%.

- Thương mại - dịch vụ: Tăng 15,7%.

- Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản: Tăng 5,0%.

- Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp: 57,2 - 28,4 -14,4.

2. Thu ngân sách trên địa bàn huyện dự kiến: 797,15 tỷ đồng.

3. Chi ngân sách địa phương dự kiến: 2. 349,83 tỷ đồng.

4. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn 74 triệu đồng/người/năm.

5. Tỷ suất sinh thô: Thực hiện duy trì mức sinh thay thế.

6. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 11,59%, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước là 0,2%.

7. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng 8,2%, giảm so với năm trước 0,1%.

8. Tỷ lệ xã/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế: 100%.

9. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 93,5%.

10. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 43%

11. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 39%.

12. Tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức): 2%

13. Giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố so với năm trước là 68 hộ.

14. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hoá” là 92%.

15. Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa” là 91%.

16. Tỷ lệ Tổ dân phố được giữ vững và công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, “Khu phố văn hóa” là 100%.

17. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 10 trường, nâng tống số lên 81 trường, đạt tỷ lệ 72,97%.

18. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch (khu vực nông thôn) đạt 70%.

19. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm 03 xã, nâng tổng số xã đặt nông thôn mới nâng cao lên 08 xã. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu 01 xã.

20. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt từ 100%.

8. Các chỉ tiêu chính được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chương Mỹ lần thứ XXIV

Về kinh tế:

(1) Tổng giá trị sản xuất năm 2025 (theo giá so sánh): 43.145 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân 10,7%/năm. Trong đó:

- Ngành Công nghiệp - TTCN - XDCB: 23.400 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân 9,7%/năm.

- Ngành Thương mại - Dịch vụ: 14.700 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân 15,9%/năm.

- Ngành Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản: 5.045 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân 4,0%/năm.

(2) Cơ cấu kinh tế năm 2025: CN - DV - NN: 54,1 - 32,3 - 13,6.

(3) Thu nhập bình quân đầu người: 85 - 95 triệu đồng/người/năm.

(4) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 1.100 - 1.200 tỷ đồng.

Về văn hóa - xã hội

 (5) Tỷ suất sinh thô là 14,9‰.

(6) Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 12% trở xuống.

(7) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng từ 8,0% trở xuống.

(8) Số giường bệnh/vạn dân: 15 - 20; số bác sỹ/vạn dân: 15. Duy trì 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

(9) Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 60 - 65%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: 35 - 40%; tỷ lệ lao động nông nghiệp: 16 - 19%.

(10) Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Thành phố đến cuối nhiệm kỳ còn dưới 01%.

(11) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 95%.

(12) Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa 90%; tỷ lệ Thôn được công nhận danh hiệu Thôn văn hóa 95%; tỷ lệ Tổ dân phố văn hóa được công nhận danh hiệu Tổ dân phố văn hóa 100%.

(13) Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 85 - 90%.

Về môi trường, xây dựng đô thị, nông thôn mới

(14) Tỷ lệ đô thị hóa: 41%.

 (15) Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 100%.

(16) Tỷ lệ các chất thải và nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn về môi trường:

- Tỷ lệ thu gom và vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn 100%.

- Tỷ lệ cụm công nghiệp (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải: 100%;

- Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 45 - 50%; tỷ lệ nước thải làng nghề được xử lý: 100%.

(17) Giữ vững 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu 10 xã.

Về xây dựng Đảng

(18) Số lượng đảng viên mới được kết nạp hằng năm từ 200 đảng viên trở lên.

(19) Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt trên 75% .

(20) Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt trên 75%.