Bằng niềm đam mê, tình yêu với làn điệu chèo, với dân ca, cải lương, ông Lê Văn Oai (sinh năm 1949) ở thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội đã thành lập Câu lạc bộ “Dân ca thôn Chi Nê”, nay là “Tiếng hát quê hương thôn Chi Nê” nhằm góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể quý giá này.
Bằng niềm đam mê, tình yêu với làn điệu chèo, với dân ca, cải lương, ông Lê Văn Oai (sinh năm 1949) ở thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội đã thành lập Câu lạc bộ “Dân ca thôn Chi Nê”, nay là “Tiếng hát quê hương thôn Chi Nê” nhằm góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể quý giá này.
Về thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, nhắc tới ông Lê Văn Oai ai cũng tỏ lòng quý mến và kính trọng một người gương mẫu, tận tụy, dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì công việc chung. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khoa bảng Chi Nê, vùng quê giàu truyền thống văn hóa với những làn điệu chèo, khúc hát dân ca trữ tình, mượt mà, đậm đà và quyến rũ phần góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê với dân ca, làn điệu chèo của ông. Năm 16 tuổi, ông đã được đi xem hát chèo trong thôn, trong xã và tiếng trống, điệu chèo như rộn rã, thúc giục, khiến ông say mê từ đó. Ở bất cứ nơi đâu, trên đồng ruộng, trên sông nước hay ở non cao, những câu hát đơn sơ, mộc mạc và những khúc điệu đầy biểu cảm được cất lên từ trong tâm hồn mộc mạc và tinh tế, giản dị mà sâu sắc, đã dần định hình trong ông. Là một cán bộ phụ trách về nông nghiệp của xã, năm 1995 sau khi về hưu ông vẫn tiếp tục dành thời gian cho công tác xã hội, làm trưởng xóm, tham gia công tác mặt trận thôn, chi hội Người cao tuổi, Hội nông dân… Nhận thấy đời sống vật chất trong thôn thời gian gần đây đã được nâng lên, nhưng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân còn nghèo nàn, dòng nhạc dân ca đã bị mai một rất nhiều. Với ước muốn mang lời ca tiếng hát, đem tình yêu dân ca, làn điệu chèo đến với nhân dân, ông đã âm thầm vận động anh chị em trong thôn - những người có cùng tình yêu tha thiết dành cho các làn điệu dân ca thành lập câu lạc bộ. Ngày 02/9/2012, được sự giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền xã Trung Hòa, lãnh đạo thôn Chi Nê và sự nhiệt tình của anh chị em yêu dân ca, câu lạc bộ “Dân ca thôn Chi Nê” được thành lập. Sau đó, để phù hợp với hoạt động đa dạng, nhiều thể loại âm nhạc như: hát chèo, quan họ, cải lương…, câu lạc bộ đã được đổi tên thành Câu lạc bộ “Tiếng hát quê hương thôn Chi Nê”. Ban đầu khi mới thành lập, câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn, các thành viên hầu như phải tự tiết kiệm tiền, đóng quỹ chung để có kinh phí sinh hoạt, như thuê trang phục, mua đạo cụ, sắm các loại nhạc cụ, thuê thuyền luyện tập, biểu diễn. Số thành viên của câu lạc bộ hiện nay là 15 người, hầu hết là những người sinh sống tại thôn Chi Nê. Tuy nhiên, trong câu lạc bộ, có ông và cô Kim Lục là những người thể hiện thành công nhiều điệu chèo, nhiều khúc hát dân ca nhất. Đều đặn vào ngày 18 hàng tháng, câu lạc bộ Tiếng hát quê hương thôn Chi Nê sinh hoạt tại Nhà văn hóa thôn. Đó là những buổi tập luyện, giao lưu, phổ biến nội dung, chương trình hoạt động của câu lạc bộ tới từng thành viên. Thông qua những buổi sinh hoạt ấy, các thành viên có điều kiện hiểu nhau thêm, giúp nhau trong việc học hát. Thông qua việc tập luyện những bài dân ca quan họ, những điệu chèo, cải lương, những câu vọng cổ, tạo nên một không khí âm nhạc sôi nổi, góp phần gìn giữ và phát huy vốn âm nhạc cổ truyền, tạo nên môi trường âm nhạc lành mạnh và hơn thế nữa là góp phần quan trọng việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Ông Lê Văn Oai (áo trắng hàng đầu ở giữa) và các thành viên Câu lạc bộ “Tiếng hát quê hương thôn Chi Nê”. Không chỉ dừng lại ở việc giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa các thành viên trong việc học hát, câu lạc bộ còn chủ động cập nhật những cuốn sách mới, những bài hát hay để học hỏi từ kỹ thuật hát, cách thức luyến láy, nhấn nhá, lên xuống từng đoạn, từng nhịp trong lời bài hát, phong cách biểu diễn làm sao cho đúng chất dân ca, hát chèo, hát cải lương. Từ lòng say mê và qua thời gian tập luyện kiên trì, các thành viên câu lạc bộ vượt qua sự ngượng nghịu ban đầu, dần nhuần nhuyễn những làn điệu chèo, dân ca quan họ và biểu diễn tự tin trên sân khấu. Bằng những hoạt động cụ thể, ý nghĩa, đem lại hiệu quả, câu lạc bộ Tiếng hát quê hương thôn Chi Nê đã tích cực tham gia biểu diễn tại nhiều hội diễn, chào mừng các ngày lễ lớn, phục vụ các sự kiện chính trị, xã hội của thôn, của xã và khu vực lân cận hết sức sôi nổi với những điệu chèo, câu hát: “Đường trường thu không”, “Quân tử phu dịch:, “Điệu luyện năm cung”, “Du xuân”, “Thư tình hạ vi”… Dù còn bận rộn lo toan cuộc sống, dù các thành viên câu lạc bộ chưa từng qua trường lớp đào tạo về âm nhạc… Song mỗi người đều đầy ắp đam mê những làn điệu dân ca và phong trào văn nghệ, họ vẫn sắp xếp công việc gia đình để tập đi, tập lại lời ca cho đến khi thuần thục, điêu luyện hơn để làm sao trước mắt khán giả, họ không còn là những nông dân “chân lấm tay bùn” mà trở thành những liền anh, liền chị xúng xính trong áo the, khăn xếp, áo tứ thân... tình tứ hát trao duyên. Đây là sân chơi lành mạnh bổ ích về tinh thần, giúp mọi người vui vẻ, yêu đời hơn, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Trăn trở khi nhận thấy nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ngày càng mai một, đặc biệt là đối với dòng nhạc dân ca quan họ, cải lương, hát chèo, ông Lê Văn Oai luôn cố gắng duy trì hoạt động của Câu lạc bộ, tích cực đổi mới hoạt động, hăng say tập luyện, truyền tình yêu, sự say mê đối với dòng nhạc dân ca cho nhân dân, cho thế hệ trẻ. Ông tâm sự: "Mong ước lớn nhất của tôi là duy trì và phát triển hoạt động của câu lạc bộ, tích cực kết nạp thêm hội viên. Sẽ có nhiều hội diễn, nhiều sân khấu lớn để anh chị em trong câu lạc bộ được thỏa sức ngân nga, hò ví, để sức sống trong những câu hò, điệu ví sống mãi, lan tỏa cho thế hệ mai sau”. Hy vọng rằng, thời gian tới với lòng nhiệt tình và sự đam mê của ông cùng các thành viên trong câu lạc bộ, câu lạc bộ “Tiếng hát quê hương thôn Chi Nê” sẽ có nhiều hoạt động cống hiến, đóng góp hơn nữa trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của làn điệu chèo, khúc hát dân ca./. Trịnh Tứ (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Chương Mỹ) |