Người lưu giữ nhịp phách, điệu ca trù Đồng Trữ
Ngày đăng 09/02/2021 | 21:35  | Lượt xem: 130

Ca trù là một thể loại âm nhạc đặc biệt trong nền nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Ngày 01/10/2009, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Góp phần vào gìn giữ, bảo vệ loại hình di sản độc đáo này, từ nhiều năm nay Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ vẫn miệt mài, bền bỉ lưu giữ điệu ca, nhịp phách ca trù nơi đây. Trong đó, hồn cốt của Câu Lạc bộ, người đã từng bước khôi phục, khơi dậy niềm yêu mến và gìn giữ di sản đặc biệt này là ông Nguyễn Đức Luống – Chủ nhiệm Câu lạc bộ.  

Ca trù là một thể loại âm nhạc đặc biệt trong nền nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Ngày 01/10/2009, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Góp phần vào gìn giữ, bảo vệ loại hình di sản độc đáo này, từ nhiều năm nay Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ vẫn miệt mài, bền bỉ lưu giữ điệu ca, nhịp phách ca trù nơi đây. Trong đó, hồn cốt của Câu Lạc bộ, người đã từng bước khôi phục, khơi dậy niềm yêu mến và gìn giữ di sản đặc biệt này là ông Nguyễn Đức Luống – Chủ nhiệm Câu lạc bộ.

Đã biết đến Ca trù Đồng Trữ từ lâu nhưng gần đây chúng tôi mới được biết đến câu chuyện về một người âm thầm, lặng lẽ gom nhặt tất cả những gì còn sót lại sau bao nhiêu thăng trầm của “nghề cầm ca” này, để gây dựng nên Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ và mang ca trù đi đến nhiều nơi, được sự đón nhận của nhiều người còn yêu mến nét văn hóa đặc sắc này. Đó chính là ông Nguyễn Đức Luống – Người chủ nhiệm đầy tâm huyết và vẫn luôn mang trong mình nhiều trăn trở với mong muốn Ca Trù tìm được chỗ đứng vững chắc trong đời sống văn hóa của người Việt.

 

 

Ảnh: Ông Nguyễn Đức Luống giới thiệu về Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ.

Đến thăm ông Nguyễn Đức Luống trong một ngày cuối đông trời còn đầy rét mướt, nhưng khi được gặp ông, thấy sự nhiệt huyết của ông với ca trù đã khiến chúng tôi thấy thật ấm lòng. Hơn 80 tuổi đời nhưng nhìn ông còn khá khỏe, da dẻ hồng hào và đặc biệt khi nhắc đến ca trù mắt ông vẫn ánh lên niềm tự hào bởi nét văn hóa đặc sắc của quê hương.

Sinh ra, lớn lên trong điệu ca trù Đồng Trữ.

Sinh năm 1938, trong một gia đình nghèo ở thôn Đồng Trữ, xã Phú Nghĩa, ngay từ nhỏ ông đã được biết đến ca trù bởi quê ông vốn có “nghề cầm ca”. Gia đình ông có nhiều người theo gánh hát ca trù. Cô ruột, chú ruột, chú rể ông đều là những ca nương, trước kia từng mở quán hát tại Ba La (Hà Đông). Cũng chính vì thế mà nhịp phách, tiếng đàn và điệu ca trù dường như đã ngấm sâu vào trong tâm trí ông.

Lớn lên, như bao thanh niên khác trong thời chiến, người thanh niên Nguyễn Đức Luống tình nguyện lên đường nhập ngũ để bảo vệ quê hương, đất nước. Lúc ấy, do chiến tranh mà “nghề cầm ca” của quê hương ông cũng bị ảnh hưởng nhiều, các gánh hát không còn duy trì như trước nhưng làng Đồng Trữ vẫn giữ nếp xưa, mùa xuân đi hát ở đình, ngày mùa vụ lại cùng nhau xuống đồng chăm lo làm lụng, nên hát ca trù ở nơi đây vẫn được duy trì.

Những năm trong quân đội, ông tham gia nhiều trận đánh, bị sốt rét nhiều lần lại chịu sức ép của bom. Trở về quê hương mang theo thương tật trong người. Mặc dù là bệnh binh 81% nhưng ông vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội tại địa phương.

Từng bước khôi phục và truyền lửa cho ca trù Đồng Trữ.

Những năm 1997-1998, một số cụ cao tuổi của thôn biết hát ca trù đã bắt đầu tập hợp lại để hát ca trù và truyền cho đời sau tiếng đàn, nhịp phách, lời hát ca trù. Tuy nhiên chỉ hoạt động thời vụ  và riêng rẽ, chưa bài bản.

Năm 2001, sau khi nghỉ hưu, được biết đến chương trình bảo tồn nghệ thuật ca trù của Bộ Văn hóa, mà hơn hết là lòng yêu văn nghệ, yêu mến những lời ca, điệu hát, tiếng đàn của cha ông để lại. Ông Luống đã trăn trở, đau đáu trước sự mai một của ca trù mà bao thế hệ cha anh làng Đồng Trữ đã gây dựng. Ông đã từng bước khôi phục “gánh hát” ca trù, mà sau này là Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ. Bản thân ông đã đến từng nhà các cụ “nghệ nhân” biết Hát ca trù, biết đánh phách, vận động, động viên thành lập lại phong trào Hát ca trù. Với tình yêu, niềm say mê với những giá trị truyền thống quý giá mà cha ông đã để lại, không quản nắng mưa, ông Luống đã vận động được một số người trẻ tuổi yêu ca hát, mời các “nghệ nhân” cao tuổi trong làng đến dạy. Thế là từ đó hình hài của CLB dần dần được hình thành. Ông lại lặn lội khắp nơi liên hệ mua đàn và các nhạc cụ khác, để Câu lạc bộ tập luyện.

Ảnh: Ông Nguyễn Đức Luống vẫn trăn trở làm sao để truyền lửa, tình yêu với ca trù Đồng Trữ cho thế hệ trẻ.

Ngày đó, ở Đồng Trữ có cụ Trần Thị Bổng, chắt đích tôn cụ trùm Trần Bá Dinh (Người đã từng thành  lập gánh hát lớn và đi hát ở nhiều nơi những năm 30 của thế kỷ trước) và cụ Trần Thị Gái là những người nhớ được nhiều nhất các bài hát và biết đàn trống, ông Luống đã mời các cụ ngày đêm đến nhà hát và phách từng điệu (thể cách) để ghi chép và động viên các cụ góp ý tham gia về lời, về thể cách, về đàn. Sau cả năm trời ông và đã chép được tổng cộng 37 đoạn bài cổ với 8 làn điệu. Sau khi rà soát từng câu chữ, từng thể cách, biên soạn và tiến hành in ấn thành tài liệu để hướng dẫn hội viên. Từ đó, đội văn nghệ của làng cũng chuyển từ hát chèo, hát quan họ dần sang học ca trù và đã vận động được nhiều cháu học sinh tham gia.

Ngày 30/4/2006 Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ chính thức được thành lập, do ông Nguyễn Đức Luống làm chủ nhiệm. Sự công nhận bước đầu đã khích lệ ông và các thành viên câu lạc bộ cũng như những người yêu nét nghệ thuật của quê hương, càng quyết tâm gìn giữ, bảo tồn và  phát huy nét ca trù Đồng Trữ.

Say sưa mang ca trù đến với nhiều người.

Từ khi được khôi phục, cứ mỗi thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, câu lạc bộ lại tập trung tại nhà ông Luống - Chủ nhiệm, để tập đàn, hát và truyền dạy nghệ thuật ca trù cho thế hệ sau.

Ảnh: CLB ca trù Đồng Trữ tham gia liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội.

Từ đó Câu lạc bộ cũng được tham gia nhiều liên hoan ca trù từ cấp tỉnh đến quốc gia. Trong đó, tại Liên hoan Ca trù tỉnh Hà Tây năm 2008, CLB có 2 cá nhân được nhận giấy khen là cụ Trần Thị Bổng và cụ Trần Thị Gái. Tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011, cá nhân ca nương trẻ Nguyễn Thị Huệ (22 tuổi) được tặng giấy khen. Năm 2013, tại Liên hoan dân ca dân vũ thành phố Hà Nội, CLB đã được Ban tổ chức tặng cờ và 04 giấy khen cho các cá nhân, trong đó có tiết mục “Xa chân” đạt giải A2. Năm 2014, CLB tiếp tục được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tặng giấy khen đã có thành tích xuất sắc tham gia liên hoan ca trù toàn quốc; tại đây, tiết mục “Xẩm huê tình” của CLB đã đạt giải khuyến khích. Năm 2016, tại Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội, CLB đạt 1 giải khuyến khích…. Trong những kết quả đó, ngoài sự đóng góp của mỗi thành viên, của cả tập thể CLB thì không thể không kể đến sự đóng góp, tâm huyết của cá nhân người Chủ nhiệm CLB đầy trách nhiệm Nguyễn Đức Luống.

 

 

Ảnh: CLB ca trù Đồng Trữ vẫn thường xuyên  biểu diễn vào các dịp lễ hội.

Hiện nay, vào những ngày lễ hội, những hội diễn văn nghệ của thôn, CLB thường xuyên tham gia biểu diễn các tiết mục đặc sắc, truyền thống của quê hương. Cũng với mong muốn sẽ góp phần khơi dậy, thắp lên ngọn lửa yêu thương với ca trù Đồng Trữ.

Tuy nhiên, mặc dù được lãnh đạo địa phương, ngành Văn hóa thông tin từ Thành phố đến huyện quan tâm, song ông Luống vẫn luôn trăn trở bởi lớp trẻ ngày nay ít yêu mến, hoặc không thiết tha, mặn mà với nghệ thuật ca trù, nhiều cháu sau đào tạo xong thường đi học, đi làm xa nên không duy trì, tham gia vào Câu lạc bộ. Ban đầu thành lập CLB có 22 thành viên, sau 15 năm hoạt động hiện CLB còn 16 người nhưng chủ yếu là người già trên 70 tuổi.

Vì yêu ca trù, luôn ghi nhớ những cống hiến của lớp người đi trước đã gìn giữ và mang theo nghệ thuật đặc sắc của quê hương nên ông Luống luôn có một mong muốn là Cụ Trần Thị Bổng – “Nghệ nhân” trong lòng người dân Đồng Trữ, được chính thức công nhận danh hiệu cao quý này.

Ông cũng tin rằng tuy có lúc thăng lúc trầm nhưng nhịp phách, điệu ca trù Đồng Trữ đã đi sâu vào dòng máu và len lỏi ngấm vào từng người con Đồng Trữ. Chỉ cần có cơ hội, chỉ cần có thêm ngọn lửa nhỏ thôi thúc thì tình yêu với nghệ thuật ca trù sẽ lại được bùng cháy lên trong tim của người dân Đồng Trữ. Và dù tuổi đã cao, sức đã yếu dần nhưng tình yêu của ông với nghệ thuật ca trù vẫn còn nguyên vẹn.

Bản thân người viết bài cũng mong rằng nghệ thuật ca trù nói chung và ca trù Đồng Trữ nói riêng sẽ ngày một gần hơn với công chúng, để mọi người thêm hiểu và thêm yêu thể loại âm nhạc đặc biệt trong nền nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.

Chia tay ông Luống khi trời đã sang chiều, nghe văng vẳng đâu đây nhịp phách ca trù Đồng Trữ và câu hát:

Hỡi cô thắt dải bao xanh

Có về Đồng Trữ với anh thì về.

Đồng Trữ có gốc cây đề,

Có vực tắm mát, có nghề cầm ca…

 

Hoàng Tình

(Trung tâm Văn hóa – TT&TT Chương Mỹ)

 

Trung bình (0 Bình chọn)