TIN KINH TẾ TIN KINH TẾ

Chương Mỹ với những kết quả nổi bật trong sản xuất nông nghiệp năm 2024
Ngày đăng 03/01/2025 | 16:18  | Lượt xem: 156

Năm 2024, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và Nhân dân, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, công tác thủy lợi, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được quan tâm triển khai thực hiện; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 4.624 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ vững chắc cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.

 

Trong năm, sản xuất nông nghiệp huyện đã có những chuyển biến tích cực: diện tích gieo trồng vụ Đông đạt 122,4% kế hoạch, vụ Xuân đạt 105,7% kế hoạch; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 5,5% so với cùng kỳ, dịch vụ nông nghiệp tăng 2% so cùng kỳ. Có sự chuyển dịch trong nội bộ cơ cấu ngành nông nghiệp tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 2,8%.

Về trồng trọt, chiếm 28,2% trong sản xuất nông nghiệp của huyện: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 19.719ha, đạt 104,9% so kế hoạch năm và bằng 98,9% so cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực đạt 88.127 tấn, đạt 90,7% kế hoạch năm và bằng 88,3% so cùng kỳ. Diện tích cây lâu năm 2.05l ha, trong đó có 1.415 ha trồng tập trung; diện tích và năng suất thu hoạch của cây ăn quả các loại tương đối ổn định. Trong năm, huyện đã thay đổi cơ cấu giống lúa theo hướng tăng diện tích lúa chất lượng cao và một số giống lúa đặc sản, giảm diện tích các giống lúa cũ đã nhiễm sâu bệnh làm tăng giá trị sản xuất trên l ha canh tác, cơ cấu giống lúa chất lượng cao và nếp chiếm 79,2%, tăng 2,9% so với năm 2023. Trên địa bàn huyện đã xây dựng thành công bộ giống lúa chủ lực là các giống lúa hàng hóa, cho năng suất cao, hạn chế được sâu bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao như giống: TBR225, QR15, VNR20, HD11, DT80...., một số giống lúa chất lượng cao, được người tiêu dùng tin tưởng với thương hiệu gạo đặc trưng riêng của Chương Mỹ như: Giống Bắc thơm số 7, ST25, Japonica của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng tăng thêm 178ha. Huyện đã tăng thêm 03 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gồm: Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn của HTX Nông nghiệp Hoàng Diệu, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu của HTX Nông nghiệp Tân Tiến, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bưởi hữu cơ, VietGAP của HTX Nông sản sạch Đức Hậu - Lưu Quang.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết giá trị với các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và ứng dụng công nghệ tiên tiến đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất lên nhiều lần. Nhận thức trong việc sản xuất an toàn của người nông dân đã có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ dân sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ ngày càng gia tăng để bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng hiệu quả kinh tế trên cùng 1 đơn vị diện tích.

Nhiều Doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ nông dân đã mạnh dạn áp dụng công nghệ số vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao, tiêu biểu: Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, đã ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ eGap, ghi chép nhật ký sản xuất điện tử bằng phần mềm nhật ký sản xuất Facefarm. Qua đó giúp sản phẩm của Hợp tác xã đã vào được các kênh phân phối uy tín với giá bán rau ổn định hơn so với bán ở chợ; các hợp tác xã: Rau quả sạch Chúc Sơn; Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú; Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến... đã lắp đặt hệ thống Camera giám sát trên cánh đồng giúp cập nhật thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, quy trình sản xuất lúa hữu cơ; Hợp tác xã hoa Thụy Hương đã lắp đặt hệ thống điều khiển nhiệt độ tự động và tưới phun tự động trong sản xuất hoa lan hồ điệp; tại các vùng trồng bưởi nhiều hộ dân đã lắp đặt hệ thống điều khiển tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm cho cây trồng.

Các mô hình trồng bưởi Hữu cơ, rau sạch, Lan hồ điệp…..đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người nông dân huyện Chương Mỹ.

Ngành chăn nuôi của huyện tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định, chiếm 71,8% trong sản xuất nông nghiệp huyện. Toàn huyện có 583 trang trại chăn nuôi, bằng 100% so với năm 2023, gồm 138 trang trại chăn nuôi lợn, 445 trang trại chăn nuôi gia cầm. Các trang trại chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi như hệ thống khép kín, hệ thống làm mát tự động, máng ăn, uống tự động…..để giảm công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế. Toàn huyện có tổng đàn gia súc, gia cầm trên 6,47 triệu con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng có mức tăng trưởng khá. Giá thực phẩm trâu, bò, gia cầm tương đối ổn định, giá lợn hơi xuất chuồng trong quý 3 tăng. Huyện đã làm tốt công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Kết quả cơ bản không để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi; Các dịch bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục….không để phát sinh thành dịch bệnh.

Sản xuất thủy sản, lâm nghiệp của huyện tiếp tục phát triển ổn định. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 3.025ha, bằng 100% so với cùng kỳ; Sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 21.860 tấn, tăng 6,6% so cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 625 tỷ đồng, tăng 6,8% so cùng kỳ. Các hộ nuôi thủy sản đã ứng dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị làm giàu ôxy, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ dịch bệnh và tăng hiệu quả chuyển hóa thức ăn, từ đó giảm dịch bệnh và tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho các hộ nuôi.

Tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện 507,37ha. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp ước đạt 11 tỷ đồng, bằng 100% so với cùng kỳ./.

 

Lan Oanh

Trung bình (0 Bình chọn)