Lan tỏa tình yêu thương ở lớp học đặc biệt trong ngày tựu trường năm học mới 2020 - 2021
Publish date 14/09/2020 | 20:25  | Lượt xem: 34

Không diễn ra lễ khai giảng, không rộn rã tiếng trống trường, cũng chẳng cờ hoa rực rỡ, nhưng năm nào cũng vậy ngày tựu trường của lớp học tình thương ở chùa Hương Lan, xã Đông Sơn cũng diễn ra trong xúc động trong niềm vui náo nức, mong chờ của cả cô và trò.  

Không diễn ra lễ khai giảng, không rộn rã tiếng trống trường, cũng chẳng cờ hoa rực rỡ, nhưng năm nào cũng vậy ngày tựu trường của lớp học tình thương ở chùa Hương Lan, xã Đông Sơn cũng diễn ra trong xúc động trong niềm vui náo nức, mong chờ của cả cô và trò.

Ngày tựu trường của các em thường muộn hơn 1 đến 2 tuần so với ngày hội đến trường của cả nước. Bởi đây là một lớp học đặc biệt trong một ngôi trường đặc biệt. Lớp học tình thương trong chùa của cô giáo Lê Thị Hòa - học sinh ở lớp trìu mến gọi là mẹ Hòa - “Mẹ của những vầng trăng khuyết!”... học sinh trong lớp cũng đặc biệt với nhiều độ tuổi, nhiều dạng khuyết tật khác nhau: tự kỷ, đao, khuyết tật, dị tật ... không có khả năng học hòa nhập.

Ấn tượng của chúng tôi khi đến thăm lớp học tình thương vào buổi học đầu tiên của năm học 2020 - 2021 là tiếng nói, tiếng cười rộn rã niềm vui, ấm áp tình thương của cô và trò. Giáo viên tin tưởng ở học trò thiếu may mắn sẽ tiến bộ từng ngày, còn học trò mong muốn được đi học nhiều hơn. Nhờ đó, ước mơ hòa nhập của những học sinh khuyết tật ngày một gần hơn góp phần lan tỏa tinh thần hiếu học đến tất cả mọi người. Không gian học tập của lớp nằm dưới bóng cây xanh mát, tĩnh lặng trong khuôn viên nhà chùa với biển tên “Lớp học tình thương”. Dẫn chúng tôi đi thăm các lớp học, cô giáo Lê Thị Hòa, người khởi xướng Lớp học tình thương cho biết: Các lớp học chỉ diễn ra vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, duy trì liên tục thấm thoát đến nay đã 15 năm. Năm học này, Lớp học tình thương đón 75 học sinh. Mỗi em có một hoàn cảnh, một khuyết tật khác nhau. Đa số các em là người trong huyện Chương Mỹ. Cũng có một số em ở huyện Hoài Đức, Mỹ Đức, Yên Nghĩa cũng đến theo học.

Để thuận tiện cho việc dạy, lớp học được chia thành nhiều nhóm lớp. Trong đó, học sinh chưa biết chữ được xếp chung nhóm lớp để học kiến thức lớp 1; học sinh đã biết chữ học chung một nhóm lớp, học chương trình từ lớp 2 đến lớp 5. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho các em, lớp học được trang bị đầy đủ thiết bị giảng dạy, đồ dùng học tập, nước rửa tay sát khuẩn, dụng cụ đo thân nhiệt, khẩu trang.

Cô giáo Lê Thị Hòa chia sẻ thêm: ở lớp học tình thương, các cô giáo không chỉ dạy cho học sinh con chữ, mà còn phải vừa dạy vừa dỗ dành, chăm sóc các em như chăm trẻ mẫu giáo.

Quả đúng vậy, khi chúng tôi đang thăm nhóm lớp 1, cả lớp đang chăm chú nghe giáo viên hướng dẫn đọc chữ cái, thì em Lưu Khắc Duy - 10 tuổi thỉnh thoảng lại hét to và khóc. Mỗi lần như vậy, cô giáo lại ôm Duy vào lòng, vỗ về đến khi em trở lại trạng thái bình thường, lớp mới lại bắt đầu học tiếp.

Còn tại nhóm học dành cho học sinh đã biết chữ, có nhiều em học sinh tiến bộ rõ rệt. Như học sinh Hoàng Thị Hà (30 tuổi), bị ảnh hưởng nặng bởi chất độc da cam/dioxin, đến từ xóm Chợ, xã Trường Yên. Từ một người gần như không có khả năng nhận thức, sau nhiều năm đến lớp, Hà đã biết đọc, biết viết chữ và còn có thể ngân nga những ca từ trong bài hát “Đi học về” quen thuộc với lứa tuổi học trò.

Phụ huynh em Nguyễn Thị Thùy Dung, 20 tuổi, đến từ thôn Yên Bệ, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) tâm sự: Cháu Dung bị bại não từ khi lọt lòng, trí tuệ chậm phát triển, phát âm không rõ, đi lại khó khăn. Đến tuổi đi học, gia đình đã cho Dung theo học nhiều lớp dành cho người khuyết tật, nhưng tới đâu, Dung cũng từ chối. Chỉ đến khi tiếp xúc với những giáo viên tâm huyết, nhiệt tình của Lớp học tình thương ở chùa Hương Lan vào năm 2015, em mới được đón nhận và bản thân em lúc đó cũng mới mở lòng đón nhận tình yêu thương của mọi người. “Hiện nay, con gái tôi đã biết đọc, viết, làm các phép toán trong phạm vi 100, biết sử dụng điện thoại, máy tính... Mừng hơn, Dung đang ấp ủ ước mơ có việc làm phù hợp trong tương lai”.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết: Hiện nay lớp học có 9 cô giáo; các cô giáo đứng lớp hầu hết đã và đang dạy ở trường tiểu học trong huyện, tự nguyện đến chùa dạy miễn phí cho các em. Ở lớp các em học sinh được các cô giáo dạy dỗ, chăm sóc chu đáo, được nhà chùa hỗ trợ sách vở và đồ dùng học tập. Các em được tập đọc, tập tô, tập viết, học Tiếng Việt và Toán; ngoài ra, các em còn được học hát, vẽ, được nghe kể chuyện...

 

 

Một số hình ảnh tại lớp học tình thương ở chùa Hương Lan xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ.

Cô giáo Lê Thị Hòa gắn bó với lớp học từ những ngày đầu mở lớp tâm sự: Nhớ lại những ngày đầu mới mở lớp và cơ duyên với lớp học tình thương tại chùa Hương Lan, cô giáo Hòa cho biết: Lớp học tại nhà tôi mở ra được học sinh quý mến tin yêu và tìm đến học ngày một đông. Nhưng do nhà chật, thương nhiều cháu nhà không có điều kiện mà lại khao khát được đi học, vì vậy trong một lần đi lễ chùa vào tháng 7 năm 2007, tôi đã ngỏ ý xin mượn nhà khách của chùa để dạy học cho các em. Được sự đồng thuận nhất trí và sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của nhà chùa, ngày 14/9/2007 lớp chuyển đến học tại đây với tổng số 16 em học sinh khuyết tật và 28 học sinh học kém của trường Tiểu học Đông Sơn. “Qua một năm, 28 học sinh học kém đã đọc thông viết thạo, các em khuyết tật học tập cũng có nhiều tiến bộ. Một số em bị khuyết tật ở 9 xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ nghe tiếng cũng đến xin học, nâng tổng số học sinh khuyết tật của lớp lên 32 em”. Sau này, số lượng học sinh tăng lên, nhà chùa dành riêng một khoảng đất để xây nhà, rộng hơn 100m2 làm lớp học. Ngoài ra, nhà chùa vận động tăng ni, phật tử, những tấm lòng hảo tâm ủng hộ vật chất, tinh thần để lớp học đặc biệt này có thể hoạt động liên tục trong 15 năm qua”

Việc tổ chức Lớp học tình thương tại chùa Hương Lan cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành, đoàn thể chức năng trong huyện và xã Đông Sơn và nhiều tình nguyện viên đến từ các trường cao đẳng, đại học. Qua đó, một số học sinh khuyết tật có thêm động lực, niềm tin để hòa nhập cộng đồng.

Chứng kiến Lớp học tình thương từng bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, hơn ai hết, cô giáo Lê Thị Hòa rất tự hào, nhưng cô vẫn chưa vơi nỗi niềm băn khoăn, trăn trở. Vì đa số giáo viên đứng lớp đã cao tuổi khó có thể tiếp tục đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn. Hơn nữa, ngoài việc học kiến thức, những học sinh của Lớp học tình thương cần được hỗ trợ khám, điều trị bệnh, phục hồi chức năng. Một số trường hợp cần được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm… Riêng tôi, tôi sẽ giúp đỡ học sinh khuyết tật bằng tất cả tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ đến khi nào sức khỏe còn cho phép. Mong rằng, các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội cũng tiếp tục dành sự quan tâm đồng hành cùng với lớp học. 

Đến thăm Lớp học tình thương tại chùa Hương Lan ai cũng cảm nhận rõ tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ. Từ đó, mỗi người sẽ có những suy nghĩ, việc làm tích cực hơn cho cuộc sống này và giúp các em thắp lên niềm tin, để có thể hòa nhập với cuộc sống, với cộng đồng.

Thu Hiền

(Trung tâm Văn hóa – TT&TT Chương Mỹ)

 

Average (0 Votes)