DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

DI TÍCH ĐÌNH YÊN KIỆN
Ngày đăng 04/03/2024 | 15:04  | Lượt xem: 174

Đình Yên Kiện thuộc Làng Yên Kiện, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ. Ngôi Đình mang tên làng: Đình Yên Kiện. Ngoài ra Đình không còn tên gọi nào khác. Đình tọa lạc trên khoảnh đất cao ráo ở trung tâm của làng, theo thế "Long Hồ Hoàn Bão". Đình thờ tam vị Thành hoàng làng là Thành Hiển, Đoan Minh và Dực Bồng Đại vương. Đây là những anh hùng văn có công phò giúp triều Hùng Duệ vương dánh giặc Ai lao.

Di tích Đình Yên Kiện

Căn cứ vào cuốn "Hùng Duệ Vương triều Tam vị Đại Vương Ngọc Phả lục" do Hàn lâm Lễ viện, Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc 01 (1572); sau đó Quản giám bách linh, Tri điện hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền tái tuân chính bản năm Vĩnh Hựu 04 (1736) và lời kể của các bậc cao niên trong làng thì sự tích của các vị Thành Hoàng thôn Yên Kiện có thể tóm tắt như sau: Thời ấy, ở trại An Dương, huyện Lương Giang, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa có gia đình họ Lê, chồng tên Long vợ là Hoàng Thị Dụ làm nghề lấy quế làm kế sinh nghiệp. Một hôm, 2 ông bà đến huyện Ninh Sơn (sau gọi là Yên Sơn), phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây để bán thì trời vừa tối, Hai ông bà liền vào nghỉ tạm dưới án tiền của ngôi Miếu cổ. Đến cuối canh ba, đang trong cơn mộng mị bà chợt thấy ba vì sao từ trên thượng điện bay vào miệng. Liền sau đó bà trông thấy ba người con trai từ bên đường đi tới bảo rằng: Nhà ngươi là người đức hậu khoan dung. Chúng ta phụng mệnh Thiên đình xuống đầu thai làm con bà. Sau buổi ấy, bà mang thai và sinh ra một bọc có ba người con trai tướng mạo đường đường, thông minh thiên bẩm, rất khó phân biệt ai là anh ai là em. Thấy vậy, ông liền đặt tên cho người con thứ nhất là Thành Hiển, người con thứ hai là Đoan Minh, người con thứ ba là Dực Bồng. Được bốn năm thì bà qua đời. Ông liền tìm người kế phụ hiền đức nuôi nấng các con. Đến năm 16 tuổi, cả ba người con đều tinh thông sử sách, binh thư làu làu. Đến năm 24 tuổi, sau khi thân phụ và kế mẫu qua đời, Hùng Duệ vương ban chiếu cầu hiền giúp nước. Ba Ông từ biệt quê hương tới Phong Châu ứng thí. Với tài năng xuất chúng, văn võ không ai dịch nổi, ba ông được phong là Chỉ huy sứ, sau được thăng làm tướng bên tả.

Khi ấy, nước nhà có giặc Ai Lao sang xâm lấn, Hùng Duệ Vương xuống chiếu phong cho ba ông làm tướng tiên phong. Bấy giờ ba ông mang 5000 quân ung Ngô tướng quân đi một ngày một đêm đến động Quyên Hợp, xóm hang Kiện, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây thì dừng lại. Tự nhiên có mây mù bốn mặt nổi dậy, giặc Thục trùng trùng điệp diệp vây chặt 14 - 15 ngày. Tình thế rất nguy khốn, ba ông bèn ngửa mặt lên trời khấn và kêu an. Bỗng có thần hắc vân tới trợ giúp. Ba ông chém được tì tướng giặc Thục và nhiều đầu giặc. Cảm tạ sự phù giúp của thiên đình, các ông lập đàn tràng tế trời đất. Thấy đây là nơi dực khí, ba ông liền truyền phụ lão tới lập từ và kể lại tình cảnh của thân phụ mình thủa thiếu thời. Sau khi toàn thắng và khải hoàn ca, Hùng Duệ Vương liền khao thưởng quân và phong bản ấp cho ba ông ở huyện Ninh Sơn. Ba ông trở về lập dinh ở khu Động Quyên, xóm Khang Kiện, mở yến tiệc khoản đãi dân làng. Đang trong lúc hoan hỷ, bỗng trời đất nổi lên đám mây hình dải lụa xuống trước cửa Dinh. Ba Ông hoàn thiên trở về trời. Đó là ngày mùng 10 tháng 6 âm lịch. Nhân dân khu Động Quyên, xóm Khang Kiện bèn làm biểu lên Vua xin cho địa phương mình làm "Hồ nhi sở tại” (con cái nhà thánh), hương khói muôn đời. Về sau, các triều đại đều phong cho ba ông những mỹ tự để phụng thờ: Nhất Phong Thành Hiển Đô Thống Đại Vương, Nhất phong Đoan Minh Đô Thống Đại Vương, Nhất phong Dực Bồng Đô thống Đại Vương.

Đình Yên Kiện tọa lạc trên thế đất cao ráo ở giữa làng, trông về hướng Đông-Nam. Phía trước đình là cả một không gian văn hoá của người Việt với "cây đa, giếng nước, sân đình". Trước mặt có hồ nước là điểm tụ thuỷ, tụ phúc. Xa xa là cánh đồng lúa xanh tươi bát ngát. Đình Yên Kiện kết cấu theo kiểu chữ Công, hiện tồn các hạng mục kiến trúc chính như: Nghi môn, Đại bái, nhà ống Muống, Hậu cung và 2 dãy tả hữu mạc. Đình có hệ thống sân lát gạch, tường bao quanh, vườn cây ăn quả, cây cổ thụ toả bóng mát.

Nghi môn được xây dựng theo kiểu thức 3 lối đi. Đại bái gồm 5 gian 2 dĩ với 4 mái đao cong lợp ngói ri. Toà Ống Muống là một dạng kiến trúc đặc biệt của đình làng Yên Kiện, có ý nghĩa rất lớn về mặt tâm linh. Hậu cung đình Yên Kiện được làm kiểu nhà ngang với 3 gian đầu hồi bít dốc. Trong Hậu cung có 3 gian thờ, gian chính giữa được lắp ván sàn thờ bằng gỗ lim, cấp trên cùng thờ thành hoàng làng, cấp dưới đặt bát hương và một số đồ thờ khác. Nhìn chung đình Yên Kiện là một công trình kiến trúc dồ sộ được khởi dựng từ lâu đời và hiện diện kiến trúc thời Nguyễn, sau nhiều lần tôn tạo vẫn còn lưu lại dấu ấn thời Lê qua các đợt trùng tu.

Trải qua thời gian tồn tại, hiện nay đình Yên Kiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật như: 03 bộ long ngai - Bài vị; 01 kiệu bát cống thời Lê; 01 kiệu Song loan thời Lê; 08 dạo sắc phong; 01 cuốn Ngọc phả viết chữ Hán bằng giấy gió sao lại năm Khải Định thứ 9 (1924) cùng nhiều di vật khác…

Trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, Đình Yên Kiện đã có những đóng góp đáng kể. Ngày 19 tháng 8, Đình làng là nơi các đoàn thể tập trung biểu tình đòi chính quyền từ tay địa chủ phong kiến, bắt bọn chúng nộp giấy tờ sổ sách, triện để thiêu huỷ. Đồng thời tuyên bố bãi bỏ chính quyền phong kiến, thành lập chính quyền lâm thời. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngôi Đình là nơi sơ tán của các cơ quan Trung ương như Toà án nhân dân tối cao (1969-1971). Bộ giáo dục, Tổng cục hậu cần thì chuyển kho quân nhu về đình để cất giấu và làm việc. Từ năm (1965-1973), Đình làng trở thành lớp học của quân y 308 và cơ quan sông Đà…

Tuy không còn giữ được toàn bộ kiến trúc của ngày đầu khởi dựng, nhưng Đình Yên Kiện vẫn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc…Đình làng Yên Kiện đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố năm 2004.

 

Nguyễn Huế

 

Trung bình (0 Bình chọn)